Chuyên gia dự báo 'vũ điệu' của vàng

Cập nhật 18/09/2012 08:50

Khi bắt đầu chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing-QE) của Fed, giá vàng đã lên mức kỷ lục 1.920USD/ounce vào tháng 8/2011, sau đó xuống dần dưới 1.550 USD/ounce vào giữa tháng 5/2012. Đến đầu tháng 9/2012 giá vàng lên trở lại mức 1.700 USD/ounce ngay khi có tín hiệu QE3 sẽ được khởi động để kích thích tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Mỹ.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua

Nhìn lại vài năm qua, vàng vẫn ở trong khuynh hướng tăng giá lâu dài. Tuy nhiên trong khoảng 3 tháng từ tháng 2/2012, giá chợt tụt xuống dưới 1.600 USD và phá luôn mức chống đỡ 1.540 USD ngày 16/5/2012 làm giới đầu tư, nhất là giới đầu cơ, lo ngại.

7 yếu tố tác động giá vàng


Nói chung trong lịch sử dài hạn với biến đổi khó tiên đoán của giá vàng, có các yếu tố chính sau ảnh hưởng đến giá vàng:

Thứ nhất, lạm phát luôn là yếu tố chính được nói đến như lý do để “giữ vàng” bảo vệ tài sản cá nhân hay quỹ dự trữ của các tổ chức (ngày nay một số ngân hàng trung ương lớn ở Âu Châu, Trung Quốc, Ấn Độ… quyết định dùng vàng để đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia).

Thứ hai,
vàng như tài sản “trú ẩn” có tính thanh khoản cao để phòng thân và phòng khủng hoảng tài chính, thí dụ rõ nhất cho một số di dân phải rời xa xứ sở mình cần đem theo vàng, hay cho các nước Nam Âu với tác động của khủng hoảng nợ công khiến giới đầu cơ giữ vàng để bảo vệ giá trị tài sản, tránh “tiền giấy”.

Thứ ba, trong hai thập kỷ qua, giá vàng đã theo sát giá dầu quốc tế như biểu hiện của lạm phát toàn cầu.

Thứ tư, do yếu tố trên, tình hình chính trị căng thẳng ở Trung Đông mới đây đã gây ra các biến động ngắn hạn cho giá vàng.

Thứ năm, nhưng mới đây nhất, ảnh hưởng ngắn hạn quan trọng nhất trên giá vàng là chính sách nới lỏng định lượng QE của Fed. Khi Fed mua vào thêm các trái phiếu chính phủ, tài sản có (assets) của Fed sẽ phình to thêm và được giới phân tích tài chính coi là sẽ ảnh hưởng đến mức lạm phát lâu dài trên toàn cầu.

Thứ sáu,
lý do khiến vàng tăng nhanh trở lại trong 4 tuần qua và trên thị trường COMEX-New York vượt mức 1.700 USD/ounce (04/09/12), là vì tín hiệu bỏ ngỏ của Chủ tịch Fed trong các buổi điều trần mới đây. Là Fed sẽ có thể kích động trở lại QE 3 bằng cách mua vào khoảng 500 tỉ USD các trái phiếu Mỹ trong một đợt can thiệp mới.

Và cuối cùng,
lo ngại của Fed là con số thất nghiệp của Mỹ còn đang quá cao (8,3%) và khó xuống dưới mức 5,5%-6% mong muốn trong 1-2 năm tới là mục đích chính sách điều hòa kinh tế của Fed. Một số quan sát viên cho là có thể Fed cũng bị áp lực của Nhà Trắng phải giúp giảm con số thất nghiệp và tăng độ tăng trưởng GDP trước kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 tới đây. Nhưng rõ ràng là Fed theo đuổi các mục tiêu chính sách lâu dài hơn cho kinh tế Mỹ, vì phải mất ít nhất 6 tháng mới thấy tác dụng của chính sách QE lên việc làm hay hoạt động kinh doanh. Nhưng trước mắt, QE 3 sẽ tác động lên giá vàng đã hơi ngủ yên từ hơn một năm nay.

Vai trò của vàng cho một danh mục đầu tư cá nhân


Tôi không có ý khuyến khích đầu cơ hay lướt sóng trong vài tháng tới dù giá vàng có vẻ có nhiều khuynh hướng tăng hơn là giảm, vì không ai có thể dự đoán được giá vàng trong ngắn hạn. Nhưng do kinh nghiệm chuyên môn của một kinh tế gia và là người theo dõi món hàng hóa đặc biệt này từ trên 30 năm qua, tôi vẫn giữ quan điểm là vàng nên có mặt trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn (10% nếu ít tin tưởng và 20% nếu tin tưởng giá trị “phòng thủ lạm phát” của vàng), cùng với nhà đất là tài sản dài hạn.

Chỉ xin thêm một câu chuyện nhỏ cá nhân: Tôi vốn “mê phở” từ nhỏ, thuở học cấp 2 trung học thường được bà mẹ âu yếm cho 5 đồng ăn một bát phở Hòa còn là xe phở đêm ở phố Pasteur (Sài Gòn). Đến nay sau 40 năm, vào hiệu phở Hòa đó trên cùng phố Pasteur tuy trang trọng hơn nhưng đang phải trả 50.000 đồng một bát. Đó là kết quả của lạm phát. Và lạm phát, là lý do vững chãi nhất cho một cá nhân giữ vàng trong danh mục đầu tư. Nhưng trong đời làm việc, tôi cũng luôn giữ lời khuyên cho các ngân hàng trung ương, là nên giữ 5%-10% khối dự trữ ngoại hối quốc gia bằng vàng. Vài năm qua, nhiều NHTƯ đã làm việc này và góp phần làm tăng giá vàng.

Có nhiều cá nhân hỏi về một danh mục ngắn hạn trong điều kiện hiện tại. Câu trả lời tế nhị hơn vì đòi hỏi nhiều suy xét theo dõi tình hình tài chính và còn tùy hoàn cảnh cá nhân và gia đình từng người. Tôi có dịp viết trong một bài khác là chứng khoán đang có giá rất hấp dẫn ở xứ ta nhưng vẫn chờ tín hiệu rõ ràng của tình hình vĩ mô được cải thiện trước khi có thể “bùng phát” và phát triển bền vững (thời điểm còn tùy chính sách và quyết tâm áp dụng của chính phủ trong năm nay 2012 hay ngay cả 2013) như kênh gây vốn dài hạn. Bất động sản còn đang trong tình trạng “đóng băng” và khó là cơ hội đầu tư ngắn hạn cho tới 2014 vì giá còn có thể xuống thêm 20%-30% nữa trước khi cung-cầu có thể gặp nhau. Do đó tôi mạo muội nghĩ là một danh mục đầu tư ngắn hạn có thể chia đều tài sản ngắn hạn và có thể giữ thoải mái (sau khi đã thỏa mãn các tiêu dùng cá nhân và gia đình bắt buộc) làm 3 phần: Tiền đồng trong ngân hàng ở mức lãi suất rất cao hiện tại, tiền USD hay ngoại tệ khác trong ngân hàng, và vàng (vật chất, và sau này có thể là tài khoản lúc được phép). Mỗi 6 tháng, do giá cả lên xuống, nhìn lại danh mục có thể tỉ lệ nắm giữ 3 tài sản này đã khác: Thí dụ nếu giá vàng lên sau khi nắm giữ 6 tháng đầu thì tỉ lệ của vàng tài sản sẽ hơn 33%; lúc đó sẽ bán bớt vàng và thay bằng tiền VND gửi ngân hàng hay ngoại tệ nếu hai loại sau này đã xuống thấp dưới 33% do vàng đã lên giá mạnh hơn.

Tóm lại, sẽ lại tái lập mức 33% cho mỗi loại tài sản trong danh mục từng 6 tháng một lần. Làm như vậy, nhà đầu tư sẽ theo được nguyên lý căn bản của đầu tư khôn ngoan là: Bán bớt cái lên giá đắt và mua thêm cái xuống giá rẻ. Cho một cá nhân ít thì giờ theo dõi đầu tư hoặc muốn được thanh thản đầu óc sau khi đã làm việc tích cực kiếm tiền trong ngành riêng của mình, nguyên tắc đầu tư đó tuy là giản dị nhưng sẽ là nguyên tắc “vàng” vượt thời gian.

Ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia tư vấn đầu tư vàng:

Với những diễn biến như thời gian vừa qua và cả hiện nay, có nhiều khả năng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục theo sát diễn biến giá vàng thế giới, không có sự đảo chiều đi ngược hoặc nếu có chỉ là sự điều chỉnh nhất thời, ngắn hạn. Tuy nhiên, trước mắt, tôi cho rằng khả năng kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế hiện nay là khó xảy ra. Vì có rất nhiều nguyên do mà một trong những nguyên do lớn nhất là những biện pháp quản lý thị trường vàng được cơ quan quản lý ban hành thời gian qua, theo quan điểm của tôi, giống như một liều thuốc chưa thật sự trúng bệnh. Nói một cách khác là thị trường vàng của ta hiện đang giống như một sợi chỉ bị rối, mà động thái nào được đưa ra lúc này cũng sẽ chỉ khiến sợi chỉ đó rối thêm, kể cả các biện pháp nhiều DN mong đợi như ban hành cơ chế cho các DN vàng phi SJC được gia công và chuyển đổi vàng miếng của mình thành vàng miếng thương hiệu SJC cho NHNN. Trong trường hợp này đối tượng chịu thiệt vẫn là số đông người dân và chắc chắn hiện tượng này vẫn sẽ còn kéo dài khi “sợi chỉ” vàng chưa cởi nút thắt làm thế nào để thực sự liên thông với thị trường thế giới.

Khép lại những ngày lình xình sau sự kiện bắt bầu Kiên trên thị trường tài chính, giá vàng trong nước đã tăng vọt trên 45 triệu đồng/lượng phiên cuối tuần, mở ra những ngày tăng giá mới từ 1/9. Đây cũng là giai đoạn giá vàng trong nước đã thể hiện rõ ảnh hưởng bởi đà tăng của vàng thế giới, khi trong tháng 8, vàng thế giới đã tăng 4,5%. Tính đến ngày 5/9, giá vàng trong nước đã ổn định với mức tăng nhẹ quanh ngưỡng 45,2 triệu đồng/ lượng và chính thức đà tăng vọt mới khi đạt trên 46 triệu đồng/ lượng vào ngày 6/9. Một ngày sau đó, giá vàng trong nước rơi khỏi mốc 46 triệu đồng/ lượng đã thiết lập. Tính tới ngày 12/9 giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới tới 2,6 triệu đồng /lượng và như vậy, đã gần 20 ngày qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới ở mức rất cao. Một nghịch lý khiến giới quan sát khó đưa ra dự báo tiếp theo cho giá vàng trong nước, dù diễn tiến của giá vàng thế giới tới đây đang có những tín hiệu khá rõ ràng, là nhiều DN sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác chưa kịp chuyển đổi, lại vẫn đang “tồn kho” hàng nghìn lượng vàng nhưng chưa được cấp phép gia công chuyển đổi.


TS Phạm Đỗ Chí

(TS Phạm Đỗ Chí từng là Giáo sư Đại học và là cố vấn cao cấp, chuyên viên kinh tế của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Hiện TS là chuyên gia Kinh tế cao cấp của Star Plus, dự án Hỗ trợ Thi hành pháp luật về Hội nhập Kinh tế tại Việt nam do USAID - Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.)

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN