Thị trường nhà đất báo tin vui, Phố Wall tăng điểm nhẹ - Ảnh: Bloomberg |
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 (vào rạng sáng nay, 1.9, giờ VN), các chỉ số chứng khoán Âu, Mỹ đã tăng nhẹ trở lại nhờ những thông tin kinh tế tích cực được công bố tại Mỹ.
Trong khi đó, chứng khoán khu vực châu Á lại diễn biến theo chiều ngược lại, đặc biệt chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm khá sâu.
Theo một báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố hôm qua (31.8, giờ VN), giá nhà đất tại Mỹ trong tháng 6 vừa qua đã tăng tốt, cao hơn cả mức dự đoán tăng 3,5% mà các chuyên gia đưa ra trước đó.
Chỉ số giá nhà đất tại Mỹ trong tháng 6.2010 so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng tới 4,2%. Tuy doanh số bán nhà trong tháng 7 có sự sụt giảm nhưng thông tin công bố kể trên được giới chuyên gia coi là dấu hiệu đầu tiên của sự bình ổn trên thị trường nhà đất Mỹ.
Cổ phiếu của Toll Brother, hãng xây dựng chuyên về các biệt thự sang trọng, đã tăng 1,3% sau thông tin trên.
Cùng với đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) tháng 8.2010 do Conference Board (một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu thị trường tại Mỹ) công bố đã tăng khả quan lên 53,5 điểm, so với 51 điểm hồi tháng 7. Trước đó, khảo sát của Bloomberg News tiến hành cho thấy các chuyên gia chỉ dự đoán CCI tháng 8 ở mức 50,7 điểm.
Về cuối phiên giao dịch, Quỹ Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) công bố thông tin lợi nhuận mà các nhà cho vay tại Mỹ tạo ra trong quý 2 vừa qua đã đạt mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Theo thống kê của FDIC, ngành ngân hàng tài chính Mỹ đã thu về 21,6 tỉ USD tiền lãi trong quý 2/2010, cao hơn nhiều so với 18 tỉ USD đạt được trong quý 1.
Nhờ đó, cổ phiếu của nhóm ngành ngân hàng và các công ty tài chính giữ được vị trí thứ hai trong các nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 tăng điểm phiên này. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 1,1%; cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 1,4%; cổ phiếu Comerica, ngân hàng vùng Dallas, đã tăng tới 2,9%.
Cổ phiếu của các công ty bán lẻ cũng tăng tốt trong phiên này sau khi thông tin doanh số bán lẻ tại các cửa hàng bách hóa (chỉ xét những cửa hàng đã mở cửa tối thiểu một năm) trong tuần trước tăng mạnh 3% so với thời điểm một năm trước. Cổ phiếu của J.C. Penney tăng 2,5%; cổ phiếu Macy’s tăng 1,2%; cổ phiếu Saks, tăng mạnh 20%.
Tổng kết phiên 31.8, chỉ số S&P 500 tăng 0,05%, lên thành 1.049,33 điểm. Trước đó, chỉ số này đã có lúc giảm tới 0,8%. Chỉ số Dow Jones Industrial cũng giành thêm 4,99 điểm, tương đương tăng 0,04% so với phiên đầu tuần (30.8), lên thành 10.014,72 điểm. Riêng Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,3%, xuống còn 2.114,03 điểm.
Trong tháng 8 này, chỉ số thị trường S&P 500 đã để mất tổng cộng 4,7%, nâng tổng mức thiệt hại từ đầu năm tới nay lên con số 6%.
* Tại châu Âu, chứng khoán cũng khởi sắc trong phiên giao dịch cuối tháng nhờ các thông tin từ Mỹ. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng nhẹ dưới 0,1% trong phiên này.
Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,45%, lên thành 5.225,22 điểm; CAC 40 của Pháp tăng nhẹ 0,11%, lên thành 3.490,79 điểm; DAX của Đức tăng 0,22%; chốt phiên ở mức 5.925,22 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 0,5%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng nhẹ 0,09%.
Tại châu Á, trong phiên cùng ngày (kết thúc chiều qua, 31.8, giờ VN), diễn biến trên các sàn giao dịch chứng khoán theo chiều ngược lại. Thông tin thu nhập cá nhân tại Mỹ tăng không đạt kỳ vọng được công bố từ phiên trước đó đã có những tác động muộn khiến chứng khoán châu Á nhuốm đỏ.
Trong phiên cuối tháng, chỉ số N225 của Nhật Bản để mất tới 325,2 điểm, tương đương giảm 3,55%, xuống chỉ còn 8.824,06 điểm. Trong tháng 8 này, N225 để mất tổng cộng 7,5% và không giữ được cả mốc 9.000 điểm.
HSI của Hồng Kông giảm 0,97%, chốt phiên cuối tháng ở mức 20.536,49 điểm. Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,52%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm 0,99%; S&P/ASX 200 (Úc) giảm 1,09%.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên