Chuẩn bị tăng vốn pháp định kinh doanh bất động sản

Cập nhật 06/12/2010 11:50


Nhiều dự án bất động sản dở dang, chậm tiến độ do chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính.
Đề án tăng vốn pháp định đối với các doanh nghiệp bất động sản đang được Bộ Xây dựng triển khai và có thể áp dụng trong năm tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện nay, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân chỉ cần có vốn tối thiểu 6 tỷ đồng là có thể được đăng ký thành lập công ty bất động sản.

Bộ Xây dựng cho rằng, với quy định này, việc công ty bất động sản “mọc lên như nấm” là một điều dễ hiểu bởi, có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập với những tên hiệu rất hoành tráng, song tài sản chẳng có gì ngoài khoản 6 tỷ đồng vốn pháp định theo đăng ký.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc quy định vốn pháp định 6 tỷ đồng cho một doanh nghiệp bất động sản là quá bất cập, bởi lẽ, thông thường để triển khai một dự án bất động sản có quy mô vừa phải thì vốn đầu tư cũng lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Do đó, lãnh đạo bộ Xây dựng khẳng định, tình trạng “tay không bắt giặc” là hiện tượng diễn ra khá phổ biến trên thị trường bất động sản, tạo nên những rối loạn và nhiều tiêu cực trên thị trường.

“Để hạn chế những bất cập trên và làm cho thị trường minh bạch, ổn định hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ sớm hoàn thành việc quy định tăng vốn pháp định của công ty bất động sản lên rất nhiều lần, không thể để tình trạng chỉ có 6 tỷ đồng cũng thành lập doanh nghiệp bất động sản”, ông Nam cho hay.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2010, cả nước có trên 2.500 dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị và dự án kinh doanh bất động sản khác với diện tích đất khoảng 80.000 ha, trong đó chủ yếu tập trung tại Tp.HCM với 1.400 dự án và Hà Nội khoảng 800 dự án. Đặc biệt, riêng tại Hà Nội hiện đang có hơn 250 dự án xây nhà chung cư đang ở dạng “hồ sơ” xếp hàng chờ cơ quan chức năng phê duyệt.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, nếu không tiến hành tăng vốn pháp định sớm thì sẽ rất khó quản lý hoạt động của các doanh nghiệp và đi kèm với đó là tình trạng đua nhau lập dự án, triển khai dơ dang vì doanh nghiệp thiếu năng lực về tài chính.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy