Chưa hết lo với tín dụng đổ vào lĩnh vực nhạy cảm

Cập nhật 07/11/2018 14:38

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tỷ lệ cho vay kinh doanh vào những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản (BĐS), BOT, BT, chứng khoán trên dư nợ thấp. Tuy nhiên, nếu cộng cả cho vay mua nhà và sửa nhà cho người dân đang được phân loại trong nhóm tín dụng tiêu dùng thì dư nợ rất lớn.

Giám đốc Phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cho biết hết tháng 10, chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao trong năm nay là 14% đã dùng tới hơn 12%.

Trong khi đó, nguồn vốn huy động khá dồi dào và nhu cầu của khách hàng muốn vay tiền mua đất lô nền hoặc nhà chung cư với ý định kinh doanh BĐS hiện rất cao, nhưng lãnh đạo ngân hàng không dám vượt rào.

Sai lệch lớn trong tính toán

NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh BĐS tăng 5,2% so với năm 2017 và thấp hơn so với tăng trưởng chung của toàn ngành. Tín dụng đối với kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 7,4%, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%.

Dư nợ tín dụng cho các dự án BT, BOT giao thông tăng 6,5% so với năm 2017 và chiếm tỷ trọng 1,6% tổng tín dụng, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng khoảng 9% và chiếm tỷ trọng 1,57%.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với năm 2017 và chiếm tỷ trọng 0,36%.

Các chuyên gia đều cho rằng đây là tín hiệu tích cực, theo đúng chỉ đạo nhất quán của NHNN về việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên, nhận định về lĩnh vực cho vay BĐS, nhiều ý kiến cho rằng đây là mảng cho vay béo bở của các nhà băng. Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017 sẽ thấy tỷ trọng giảm đáng kể, nhưng khi cộng cả cho vay mua nhà và sửa nhà cho người dân hiện tại đang được phân loại trong nhóm tín dụng tiêu dùng thì dư nợ rất lớn.

“Vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng và đã khống chế tỷ lệ cho vay BĐS ở khoảng 7,4%. Nhưng nếu tính cả dư nợ cho vay mua, sửa chữa nhà ở trong cho vay tiêu dùng, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS ở trên mức 20%. Dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực BĐS là động lực rất lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường, nhưng cũng góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng BĐS”, một chuyên gia nhận xét.

Nhiều cảnh báo về rủi ro có thể gặp nếu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mua nhà, sửa nhà quá mức. Khi thị trường BĐS đang khởi sắc thì việc ngân hàng đẩy quá nhiều tiền vào sẽ có lợi và an toàn cho ngân hàng, Chính phủ và người đi vay. Ngược lại, thị trường suy thoái và khủng hoảng thì BĐS sẽ gây ra những thiệt hại và hệ lụy lớn không chỉ cho ngân hàng, người vay mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Tiếp tục kiểm soát chặt

Bên cạnh đó, theo phân tích của giới chuyên gia, hầu hết những lĩnh vực nhạy cảm này đều mang lại rủi ro lớn cho ngân hàng vì đây là những dự án dài hạn, cần nguồn vốn 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm.

Trong khi đó, vốn của ngân hàng là vốn ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm. Vì vậy, việc dùng vốn ngắn hạn cho vay vào những lĩnh vực này khiến ngân hàng dễ bị mất thanh khoản nếu cho vay quá nhiều.

Thực tế, thời gian qua, lãi suất huy động liên tục tăng cao và trở thành xu hướng thị trường khi mới đây 4 “ông lớn” ngân hàng nhà nước cũng bước vào cuộc đua tăng lãi suất. Điều này đã tạo nên mặt bằng lãi suất huy động mới cho thị trường.

Giải thích nguyên nhân tại sao lãi suất huy động cứ tăng cao mãi, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng một trong những nguyên nhân là các ngân hàng luôn phải tạo thanh khoản cho mình bằng cách đẩy lãi suất lên để huy động vốn mới.

“Ngoài vấn đề chi phí vốn trên thị trường, nhiều ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, khiến thanh khoản trở nên eo hẹp. Để giải quyết tình trạng này bắt buộc phải huy động vốn mới để trả cho vốn cũ, nên đã tạo ra cuộc đua đẩy lãi suất lên cao”, ông Hiếu nói.

Tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ tiếp tục thực hiện một cách nhất quán, kiên định chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội về việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: tăng hệ số an toàn cho các lĩnh vực cho vay BĐS từ 150% lên 250% và hạ tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 45%. Đây là biện pháp trực tiếp nhằm kiểm soát tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS, nơi cần nguồn vốn trung và dài hạn rất lớn.

“Bên cạnh đó, NHNN tăng cường kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tiến hành tập trung thanh tra cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn các rủi ro”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKD