Cho vay dưới chuẩn

Cập nhật 18/09/2008 01:00

Vụ sụp đổ của Ngân hàng (NH) đầu tư Lehman Brothers là hệ quả của hoạt động cho vay dưới chuẩn. Thị trường chứng khoán (CK) nhiều nước, kể cả ở châu Á, châu Âu…, đều “rung rinh” buộc NH trung ương của các nước này phải can thiệp. Đã có sự liên tưởng, họ thế, còn ta thì sao?

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề mà thế giới đang đối mặt là hậu quả của “cho vay dưới chuẩn” trong khi ở Việt Nam thì “cho vay dưới chuẩn” dạng này chưa có điều kiện phát triển. Vậy sự khác nhau ở điểm nào?

Tại Mỹ, các NH đầu tư đã bơm tiền cho các công ty để cho vay mua bất động sản (BĐS). Điều kiện vay dễ đến mức không cần tài sản thế chấp, không cần vốn tự có, thậm chí thất nghiệp… cũng được vay.

Đổi lại lãi suất vay khá cao để bù đắp rủi ro. Nhiều người không có khả năng trả nợ đã vay tiền mua nhà, dùng tiền thuê nhà để trả lãi vay chờ giá BĐS tăng bán hưởng chênh lệch.

Lợi cả ba đường: có nhà ở, không mất tiền thuê nhà, có cơ hội kiếm tiền. Giữa năm 2007 thị trường BĐS Mỹ đóng băng, lãi suất vay tăng lên, bài toán tài chính bị phá vỡ, nhà bán không được, người vay không trả được nợ...

Đó là hậu quả của sản phẩm tài chính hiện đại nhưng thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Các công ty cứ thoải mái cho người vay bằng tiền của các NH đầu tư cung cấp thông qua mua lại danh mục cho vay của các công ty này.

Các NH này trên cơ sở danh mục cho vay vừa mua lại sẽ phát hành CK để vay tiền. Danh mục cho vay được chia ra, ít rủi ro, rủi ro cao, tùy định mức tín nhiệm, nhà đầu tư tha hồ lựa chọn theo sự mạo hiểm của mình. Có loại CK không cần định mức tín nhiệm, có thể thu lãi cao nhưng rủi ro cũng lớn.

Như vậy, rủi ro trong cho vay đã được chuyển từ bên cho vay là công ty tài chính sang NH đầu tư. Nhà đầu tư lắm tiền trên thế giới đã đổ tiền mua CK này, nhờ vậy đã cung cấp một lượng vốn khổng lồ cho thị trường BĐS ở Mỹ tăng nóng.

Do vậy, chuyện xảy ra ở Mỹ nhưng thị trường tài chính nhiều nước lại lao đao vì họ đã hội nhập và có những phi vụ làm ăn lớn, chằng chịt với các NH đang gặp nạn ở Mỹ. Họ đã mua CK, bơm tiền để cho vay dưới chuẩn.

VN chưa nhiều tiền để mua CK từ tín dụng dưới chuẩn vì thế không bị ảnh hưởng trực tiếp. Cũng khó để nói rằng ta giống họ. Với tín dụng BĐS, theo một quan chức NH Nhà nước, hầu hết tín dụng BĐS ở VN đều có thế chấp, người vay phải có thu nhập ổn định, vay 1 tỉ phải thế chấp tài sản tối thiểu 1,5 tỉ đồng.

Có một ít trường hợp vay thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay nhưng người vay được chọn lọc, phải có thu nhập cao và NH trực tiếp kiểm soát nợ vay.

Cũng có NH dùng vốn ngắn cho vay dài hạn BĐS, đã được NH Nhà nước cảnh báo từ cuối năm 2007 và chấn chỉnh khi thực hiện thắt chặt tiền tệ. Điều quan trọng là tỉ trọng cho vay BĐS không lớn, tại TP.HCM khoảng 11% tổng dư nợ nhưng gồm cả cho vay làm nhà xưởng, khu công nghiệp, nhà ở...


Theo Tuổi Trẻ