Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng để kiểm soát tốt dòng vốn cho vay bất động sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải xác định lại về khái niệm cho vay tiêu dùng, không nên tính khoản cho vay mua nhà là cho vay tiêu dùng.
Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở tính đến hết quý IV/2017 là 102.413 tỷ đồng. |
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến quý IV/2017 là 471.022 tỷ đồng (tăng 5,5% so với quý III/2017).
Cụ thể cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực này như sau: Dư nợ cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 11.880 tỷ đồng (giảm 11,4% so với quý 3/2017).
Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 102.413 tỷ đồng (tăng 20,7%).
Dư nợ cho vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê là 50.026 tỷ đồng (giảm 6,2%).
Dư nợ cho vay dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 25.047 tỷ đồng (tăng 9,3%).
Dư nợ cho vay dự án khách sạn là 15.575 tỷ đồng (giảm 8,0%).
Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản cho vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay là 100.083 tỷ đồng (tăng 7,0%).
Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê là 25.107 tỷ đồng (giảm 10,0%).
Dư nợ cho vay mua quyền sử dụng đất là 28.329 tỷ đồng (giảm 3,9%).
Dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 112.561 tỷ đồng (giảm 8,2%).
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản liên tục tăng từ 2015 đến nay, chiếm khoảng 8% tổng dư nợ và vẫn ở trong ngưỡng an toàn.
Tuy vậy, một số chuyên gia đã có ý kiến đánh giá cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái thắt chặt hoạt động huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản, nhưng cho vay bất động sản thường có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất cho vay có thể cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh.
Do đó, khi có cơ hội, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung cho vay nhiều đối với lĩnh vực bất động sản. Khi dòng vốn dành quá nhiều đối với lĩnh vực này sẽ đẩy giá bất động sản tăng cao.
Để kiểm soát tốt dòng vốn cho vay bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải xác định lại về khái niệm cho vay tiêu dùng, không nên tính khoản cho vay mua nhà là cho vay tiêu dùng.
Bởi vì theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đây là hình thức đầu tư bất động sản, chỉ nên tính khoản vay để sửa chữa nhà hoặc thuê nhà là khoản vay tiêu dùng.
Trước đó, cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19, quy định các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trong đó, có quy định các tổ chức tín dụng, ngân hàng từ ngày 1/1/2018 đến 31/12.2018 không được sử dụng quá 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn vào bất động sản. Con số này sẽ giảm xuống 40% bắt đầu từ 1/1/2019.
Bên cạnh siết vốn vay, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng hệ số rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bất động sản từ 200% lên 250% nhằm hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí