Bờ vực khủng hoảng tài chính

Cập nhật 26/08/2015 10:09

Cơn suy thoái của Trung Quốc khởi nguồn từ sự sụt giảm tăng trưởng GDP, đặc biệt là khi chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này được công bố cuối tuần qua...

Ông Barry David Weisblatt - Ảnh: nhân vật cung cấp

Ít khả năng xảy ra 
khủng hoảng như năm 1997 và 2008

Theo The Economist, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc đi đôi với phá giá đồng nhân dân tệ đợt này sẽ tác động tiêu cực nhiều nhất với các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nước có mô hình tăng trưởng dựa vào sức cầu hàng hóa và nguyên vật liệu từ phía Trung Quốc.

Sau khi nhân dân tệ phá giá, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất USD vào tháng 9 tới, dòng tiền chảy vào các nước đang phát triển sẽ giảm đi (do một phần sẽ được chuyển sang tiết kiệm để hưởng lãi suất), đồng thời khiến gánh nặng nợ công của các nước này nặng thêm, nhất là với các khoản vay tính bằng USD. Các doanh nghiệp đang vay nước ngoài bằng tiền USD cũng 
chịu chung hoàn cảnh.

Tuy nhiên, theo The Economist, thế giới không nhất thiết phải âu lo quá nhiều về một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Trung Quốc.

Một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008-2009 là khó xảy ra. Bởi lẽ, tài sản của Trung Quốc phần nhiều vẫn nằm ở vàng, nhà đất hơn là nằm trong cổ phiếu. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc còn nhiều con bài để ổn định tình hình, chẳng hạn giảm dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại.

Cũng ít có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á như hồi năm 1997. Chế độ neo tỉ giá khiến trục trặc từng xảy ra vào thời điểm đó nay đã được hầu hết các nước thay bằng chế độ tỉ giá thả nổi. Dự trữ ngoại hối các nước châu Á cũng đã dồi dào hơn trong khi hệ thống tài chính được quản lý tốt 
và linh hoạt hơn nhiều.

Ông Barry David Weisblatt (giám đốc phân tích Công ty  chứng khoán VPBS):

Chứng khoán VN đang 
an toàn hơn Trung Quốc

Chứng khoán Trung Quốc giảm chủ yếu do đã tăng quá nóng trước đó, trong khi nền kinh tế không tăng trưởng tới mức ấy, thậm chí đang có dấu hiệu chững lại thời gian dài vừa qua. Đến nay chứng khoán Trung Quốc mới lao dốc, theo tôi là còn muộn.

Cơn suy thoái khởi nguồn từ sự sụt giảm tăng trưởng GDP, đặc biệt là khi chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này được công bố cuối tuần qua, cho thấy Trung Quốc đã mất đà thật sự chứ không còn là điều nghi ngại như những ngày trước.

VN từng trải qua thời kỳ bong bóng chứng khoán vào năm 2007 - 2008 và tới bây giờ vẫn chưa thể quay về ngưỡng điểm trên 1.000 hồi đó. Dù chịu tác động từ Trung Quốc nhưng chứng khoán VN khó rơi vào tình trạng bi đát như chứng khoán Trung Quốc, bởi giá cổ phiếu của VN thời gian qua không hề tăng nóng.

Điều cần làm lúc này là cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp đều nên cẩn trọng theo dõi kỹ diễn biến từ Trung Quốc để có những ứng phó kịp thời. Bài học từ đợt suy thoái này của Trung Quốc là chính phủ phải luôn xem xét và hạn chế các yếu tố ảo đẩy chứng khoán đi lên quá đà, phải nhanh chóng có những biện pháp thắt chặt dòng 
tiền nóng từ đầu để tránh bong bóng.

Giới chính trị gia chê Mỹ lỏng tay với Trung Quốc

Tỉ phú Donald Trump - người đang chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ - phát biểu: “Thị trường đang đổ vỡ. Tất cả là do sự kém cỏi trong việc lên kế hoạch và do đã cho phép Trung Quốc và châu Á thống trị diễn đàn. Rối là phải thôi”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders nói: “Hậu quả nhãn tiền của chính sách thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Thương mại tự do với Trung Quốc là thảm họa với người lao động Mỹ. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt các chính sách thương mại quá tự do với nước này”.

Lawrence H. Summers (giám đốc hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia cho Tổng thống Barack Obama): “Nước Mỹ có thể đang trong giai đoạn đầu chịu tác động khủng hoảng như hồi năm 1997 - 1998 và 2007 - 2008. Theo kinh nghiệm của những năm đó, Fed không cần phải làm gì lúc này, chẳng hạn như nâng lãi suất đồng USD, mà hãy để đó cho thị trường tự quyết định”.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ