TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên bỏ trần lãi suất cho vay trong khi hầu hết các chuyên gia lại cho rằng phải thận trọng, chưa phù hợp...
Trước thông tin nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ trần lãi suất vay, TS Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với đề xuất trên. Ông phân tích, trần lãi suất áp trên mức lãi suất cơ bản 9% hiện chỉ trên giấy tờ, không ai quan tâm và thậm chí đến tòa án cũng không sử dụng để luận tội về việc cho vay nặng lãi.
Ảnh minh họa
|
Bởi thực tế, hai khái niệm: lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại và lãi suất cao, lãi suất “cắt cổ” thường được dùng trong tín dụng đen và gây tổn thất cho người dân đang bị hiểu nhầm tai hại.
Ông Hiếu cho biết, điều đang gây tranh cãi là loại lãi suất thuộc dạng cho vay nặng lãi của tín dụng đen. Đây là phạm vi của Bộ luật Hình sự và ông hoàn toàn tán đồng với quan điểm rằng, loại lãi suất này nên khống chế ở một mức độ hợp lý để ngăn ngừa người dân bị hại vì tín dụng đen.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị, nên bỏ trần lãi suất vì không phù hợp với nền kinh tế thị trường, còn nếu chưa thể bỏ được thì trong ngắn hạn, có thể tạm thời áp tỷ lệ 30 - 40% là mức lãi suất tham khảo để kiểm soát cho vay nặng lãi đối với tín dụng đen.
Trong tình hình thị trường ngân hàng hiện nay, lãi suất bình quân cho vay của các ngân hàng thương mại có thể tính trên cơ sở: 7% lãi suất huy động bình quân + 3% biên độ lợi nhuận = 10% lãi suất cho vay. Lãi suất tham khảo để kiểm soát cho vay nặng lãi đối với tín dụng đen có thể lên tới 3 hay 4 lần mức này. Nếu áp dụng loại lãi suất tham khảo này thì lãi suất cơ bản (hiện nay là 9%) không còn được áp dụng và Ngân hàng Nhà nước cũng không cần phải công bố một loại lãi suất nào trong từng thời kỳ.
"Hiện nay, cuộc tranh luận về lãi suất cho phép xoay quanh tỷ lệ 150% hay 200% lãi suất cơ bản hay khống chế ở mức trần 20% đều không mang tính thuyết phục vì không dựa trên cơ sở lý thuyết hay thực tiễn nào", ông Hiếu nói.
Theo ông, một khi được thả nổi lãi suất, cho nó hoạt động theo cơ chế thị trường các ngân hàng không thể có một mức lãi suất quá cao vì như vậy doanh nghiệp sẽ bỏ họ và ngân hàng cũng chết.
Tên cơ sở đó, các Công ty tài chính cũng không thể vượt qua quy luật thị trường. Dĩ nhiên, lãi suất cho vay của các Công ty tài chính cao hơn so với lãi suất của ngân hàng thương mại vì các món vay tại Công ty tài chính có mức độ rủi ro cao hơn nhiều (món vay nhỏ, phần lớn là vay tín chấp, người đi vay là cá nhân và việc thu hồi nợ rất vất vả nếu người đi vay tìm cách trốn nợ…).
Nên lựa chọn hình thức vay tiêu dùng nào khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng về cả nhu cầu lẫn khả năng trả nợ, cũng như việc chấp nhận lãi suất thế nào cho các khoản vay của mình.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt