Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thu hẹp hơn nữa tín dụng cho BĐS của các ngân hàng. Chỉ thị này đưa ra một lộ trình thu hẹp tín dụng phi sản xuất xuống còn 22% vào 30/6 và 16% vào 21/12. Với lộ trình đó, dự án cho vay BĐS của các ngân hàng sẽ giảm đi rất nhiều và các DN đầu tư kinh doanh BĐS sẽ giải bài toán tài chính này ra sao?
Cực chẳng đã
Đó là lời “thanh minh, thanh nga” của hầu hết ngân hàng thương mại hiện nay khi phải từ chối bạn hàng BĐS. Lý do thứ nhất họ đưa ra là cho vay BĐS hiện tại có hệ số rủi ro quá cao (lên tới 258%) khi tính hệ số an toàn. Lý do nữa là quy định “oái oăm” của ngân hàng nhà nước khi tính cả trái phiếu DN và dư nợ nên những trái phiếu mà Ngân hàng phát hành để tài trợ vốn cho các dự án BĐS cũng không được nằm ngoài khoản này.
Cùng với việc thắt chặt tín dụng, lãi suất cho vay cũng tăng cao tới mức 22 - 25% khiến các DN BĐS khó có thể huy động vốn. Thực tế cho thấy dù các dự án có quy mô vài nghìn tỷ đồng thì vốn điều lệ của DN nhiều lắm cũng chỉ vài trăm tỷ đồng nên cuối cùng hậu quả vẫn là thu được tiền từ dự án này thì đặt cọc và đấu giá đất ở dự án sau. Cái sự gối đầu ấy khiến cho hầu hết DN đều có tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu ở mức rất cao.
Với tất cả những lý do có thật ấy đúng là các ngân hàng dù muốn cũng đành phải ngậm ngùi “thắt chặt miệng túi” với các đại gia BĐS mà thôi.
Tự cứu
Năm 2010 được đánh giá là năm “đồng khởi” của thị trường BĐS. Rất nhiều dự án được triển khai bởi một phần do lãi suất ngân hàng còn dễ thở. Chính vì thế 2011 và vài năm tiếp theo thị trường BĐS sẽ là một nguồn cung khá dư thừa.
Làm thế nào để tăng nguồn vốn hoặc chí ít cũng bảo toàn được nguồn vốn trong tình trạng tín dụng bị “siết”, huy động khó khăn, hàng khó tiêu thụ… là điều mà các chủ đầu tư phải “nát óc” suy nghĩ trong mấy tháng qua.
Theo CBRE, trong 3 tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 8,198 căn hộ được tung ra thị trường, chiếm 1/2 tổng cung mới của năm 2010 và tăng đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo 3 quý còn lại của 2011 sẽ có thêm 21 nghìn căn hộ mới từ 35 dự án tại Hà Nội “bung hàng”. Để tiêu thụ hết số lượng đó, riêng Hà Nội đã cần đến gần 80 nghìn tỷ đồng trong năm 2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng