Các nhà đầu tư gặt hái quá lớn trong quá khứ do phát triển nóng thì hệ quả đình đốn hôm nay do lạm phát là quan hệ nhân quả…
Thị trường bất động sản mấy ngày nay đón nhận sự kiện chưa từng xảy ra, Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu phí (PV Power Land) thông báo giảm giá 35% căn hộ, ngay sau đó Công ty Sài Gòn Mekong lại gây sốc khi đưa ra giá 500 căn hộ dự án An Tiến tại xã Phước Kiểng, Nhà Bè, TP HCM từ 18 triệu đồng/m2 xuống còn 14,5 triệu đồng.
Không ít chuyên gia nhận định: sóng giảm giá ồ ạt sẽ còn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới trước sức ép trả nợ ngân hàng của các chủ đầu tư. Nhìn nhận diễn biến này của thị trường có 2 câu chuyện đáng nói. Có thể xem đây là tín hiệu tốt của thị trường, nhưng cũng có thể coi bong bóng bất động sản đang xì hơi.
Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu phí thông báo giảm giá 35% căn hộ (Ảnh Internet)
Sự kiện Công ty PV Power Land giảm giá 35% căn hộ do áp lực thanh toán khoản vay đến hạn 100 tỷ đồng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, gây sốc cực mạnh trên thị trường. Ngay sau đó, trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Sỹ Liêm- Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc giảm giá này đáng lẽ phải diễn ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới hạ.
TS. Phạm Sỹ Liêm khẳng định, ngay cả khi bán với giá đã giảm đến 30% thì các doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ là giảm lãi chứ chưa đến mức lỗ. Và việc các doanh nghiệp chấp nhận giảm giá đến 30% cũng có nghĩa là “bong bóng” bất động sản bây giờ mới bắt đầu xì hơi.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng: “Hai năm nay lượng tín dụng chảy vào BĐS vào quá nhiều, đẩy thị trường bất động sản nóng quá mức. Bây giờ không còn nguồn tín dụng chảy vào bất động sản. Những nhà đầu tư BĐS không giải quyết được vì không có tiền “tươi”. Những tháng tới thị trường bất động sản sẽ hạ thê thảm (như Nhật năm 1991). Thị trường nhiều người bán không có người mua thì phải trả giá”.
Lúc này, đã có ý kiến nhận định, một khi các doanh nghiệp bất động sản “thoát” hàng cắt lỗ cũng là lúc giá bất động sản trở về giá trị thực và người dân mới bắt đầu có cơ hội mua nhà để ở như cách nói của ông Nguyễn Tiến Thỏa- Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: “Bây giờ có rất nhiều khu dự án đang chịu sức ép về vốn như thế này, lãi suất cao, và sức ép của đến hạn phải trả buộc người ta phải có cách xử lý tăng cung ra thị trường để có nguồn lực trả nợ hoặc đáo hạn đối với ngân hàng. Vì thế giá đang xuống và tâm lý của người tiêu dùng cũng đang chờ giá tiếp tục xuống để lúc bấy giờ mới đầu tư. Những BĐS trong dân, tốc độ cũng giảm, hoặc là chững lại chứ không giảm đến mức đáng lo ngại”.
Ông Thỏa phân tích, “bây giờ mỗi một dự án có khu vực giảm 10-15-20 triệu đồng/m2, tôi cho là chưa có gì phải hoảng sợ, bởi vì tính từ năm ngoái đến năm nay, giá thị trường BĐS đã tăng gấp đôi”.
Ở một góc nhìn khác, GS TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài Chính doanh nghiệp, trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, cần phải nhìn nhận việc giảm giá ồ ạt, thậm chí là xì hơi bong bóng bất động sản là một hiện tượng hoàn toàn bình thường và theo đúng qui luật của thị trường. Ông Thơ dẫn chứng: đã có một thời gian rất dài trong quá khứ các doanh nghiệp bất động sản lãi đến mức khó tin. Giờ đây họ phải trả giá cho sự đầu cơ thái quá: “Việc các nhà đầu tư bất động sản gặt hái quá lớn trong quá khứ do phát triển nóng thì hệ quả đình đốn về gặt hái lợi ích ngày hôm nay do lạm phát là quan hệ nhân quả, đúng qui luật thị trường”.
Thực tế đã có không ít doanh nghiệp BĐS “ôm” hy vọng cơ hội kinh doanh đến cuối năm 2011 sẽ khá hơn. Nhưng sau khi nghe ngóng, họ nhận thấy nền kinh tế không mấy khởi sắc. Triển vọng năm 2012 cũng vẫn còn u ám nên đến giờ họ mới chịu hạ giá. Đây có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu, từ nay đến cuối năm và sang đến cả năm 2012, nhiều DN sẽ buộc phải hạ giá BĐS nữa nếu muốn tồn tại.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Duy Chính, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần bất động sản Thế kỷ nói “Thị trường bất động sản TP HCM đã đóng băng 3 năm nay rồi, chủ đầu tư BĐS bắt buộc phải cắt lỗ để phù hợp với thực tế. Hiện nay các chủ đầu tư bất động sản chưa giảm giá nhiều, đang cố cầm cự đến đầu năm 2012 để xem tình hình ra sao. Có thể họ sẽ chỉ bán một số ít để tạm trả nợ ngân hàng, số còn lại thì giãn nợ ngân hàng…”
Tuy vậy, cái khó của các doanh nghiệp bất động sản là trong những tháng còn lại của năm 2011, gần như chắc chắn thị trường bất động sản Hà Nội sẽ không có nhiều dấu hiệu khởi sắc, do vậy cũng chẳng còn hy vọng cho nhà đầu tư thoát hàng để trả nợ.
Câu chuyện xì hơi bong bóng bất động sản có những nhìn nhận khác nhau, thậm chí có những lo ngại là sẽ liên lụy và ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng – nơi cung ứng nguồn vốn chính cho các dự án bất động sản từ nhỏ tới lên lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV News