Bất động sản lại… có tiền

Cập nhật 06/11/2008 10:00

Sau khi lãi suất cơ bản giảm xuống còn 12%, lãi suất huy động và cho vay được các ngân hàng (NH) liên tiếp điều chỉnh. Đối với lãi suất tiền gửi, mức cao nhất được áp dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước khoảng 14,5 - 15,5%/năm.

NHTM cổ phần là 15 - 16%/năm. Lãi suất cho vay áp dụng mức tối thiểu tại NHTM nhà nước là 15%/năm; NHTM cổ phần là 16%/năm. Có thể nói, so với những tháng đầu năm, hiện NH và người cần vốn đều có phần dễ thở hơn rất nhiều.

Từ đó, lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng được nhiều NH quan tâm trở lại. Một nguồn tin cho biết, một NHTM nhà nước vừa "bơm" thêm 600 tỷ đồng cho một chủ đầu tư thuộc tầm "đại gia" trong lĩnh vực BĐS để hoàn tất các dự án tiềm năng còn dang dở.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, kể cả khi thị trường BĐS trầm lắng, NH này vẫn giải ngân vốn vào BĐS. Tuy nhiên, Vietcombank luôn có sự lựa chọn kỹ càng các dự án để cho vay.

Theo lý giải của ông Thanh, cũng như các loại hình tín dụng khác, cho vay BĐS vẫn có những rủi ro nhất định. Nhưng với mức giá sụt giảm của BĐS hiện nay, đây là thời điểm phù hợp để cho vay, trên cơ sở chọn lọc những dự án hiệu quả.

Đặc biệt, các NH phải xác định được đối tượng vay là ai và vị trí dự án nằm ở địa bàn nào? Tính đến hết tháng 10/2008, dư nợ cho vay bất động sản của Vietcombank chỉ chiếm 10% trên tổng dư nợ 107.000 tỷ đồng nên Ngân hàng tiếp tục tìm kiếm dự án tốt để giải ngân trên cơ sở kiểm soát chặt điều kiện tín dụng.

Một chuyên gia trong ngành NH cho rằng, những tháng đầu năm nay, khi thị trường nhà, đất trầm lắng, chủ đầu tư khó huy động vốn từ khách hàng và NH. Thông thường, với một dự án BĐS trị giá khoảng 100 tỷ đồng, vốn tự có của các chủ đầu tư khoảng 20%; vốn vay NH 30%; phần còn lại huy động từ khách hàng (những người có nhu cầu mua nhà - có thể một phần vốn cũng được vay từ NH).

Thế nhưng, trong 3 quý đầu năm, thị trường BĐS đóng băng, giá nhà, đất tại các thành phố lớn giảm khoảng 40%, người mua dè chừng; còn NH cũng ngại cho vay.

Trước nguy cơ sụp đổ thị trường BĐS, các chủ kinh doanh BĐS đã nhiều lần kiến nghị NH nên mở "hầu bao", hỗ trợ vốn hoàn tất những dự án còn dở dang và cho người có nhu cầu về nhà ở mua trả góp.

Tuy nhiên, có thể thấy, mặc dù đã mở cửa tín dụng nhưng đa số NH vẫn khá thận trọng khi giải ngân vốn vào BĐS. Theo ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietA Bank, Ngân hàng chỉ tài trợ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành theo tiến độ và đầu ra tốt. Đơn cử như Khu chung cư E.home của CTCP Đầu tư BĐS Nam Long ở Quận 9, VietA Bank tài trợ đến 50% vốn cho những người có nhu cầu mua nhà tại dự án này.

Để vực dậy thị trường BĐS và giải quyết bài toán vốn khả dụng dư thừa tại NH hiện nay, ngày 3/11, cùng với quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 12% và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc VND 1%, ngoại tệ 2%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo yêu cầu các NH tập trung vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh và dự án đầu tư BĐS khả thi, có hiệu quả và khả năng trả nợ đúng hạn.

Ngày 4/11, NHNN - Chi nhánh TP. HCM cũng yêu cầu các NH trên địa bàn báo cáo nhanh, kịp thời về tình hình cho vay đối với lĩnh vực BĐS. Theo đó, các NH phải thống kê đầy đủ các dự án đầu tư BĐS dở dang; tiền khách hàng vay vốn; địa điểm thực hiện, tổng vốn đầu tư của dự án; số vốn NH cam kết cho vay; tiền đã giải ngân; vốn chưa giải ngân và lý do tại sao…

Riêng với báo cáo tình hình cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo định kỳ hàng tháng, các NH cũng phải làm rõ chất lượng tín dụng (báo cáo nợ quá hạn, nợ xấu… nếu có). Đồng thời, các NH phải nêu cụ thể đánh giá và nhận định về rủi ro của những khoản cho vay đầu tư kinh doanh BĐS.

Những báo cáo trên của NH phải được gửi về NHNN - Chi nhánh TP.HCM chậm nhất trước 15h ngày 5/11 để phục vụ cho buổi làm việc của Thống đốc NHNN và Chủ tịch UBND TP. HCM sắp diễn ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán