Bao nhiêu tiền bị rút từ 3 ngân hàng hợp nhất?

Cập nhật 09/12/2011 15:50

Hiện tượng rút tiền sớm chấm dứt. Các ngân hàng cổ phần tổ chức đại hội cổ đông bất thường, BIDV lên kế hoạch điều cán bộ, chuẩn bị kiểm toán... các ngân hàng cấp tập thực hiện lộ trình hợp nhất.

Chiều 8/12, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ngân hàng đóng vai trò đại diện nhà nước, hỗ trợ 3 ngân hàng hợp nhất cho biết, ngày 7/12, BIDV chính thức vào các ngân hàng này để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hợp nhất. Trong ngày đầu tiên, gửi và rút chênh lệch 900 tỷ đồng, số rút lớn hơn.

Tuy nhiên so với mùng 6 số rút giảm 30%. Đến này hôm nay (8/12) tình hình đã ổn định ở tất cả các điểm của 3 ngân hàng này, lúc này chênh lệch hơn 400 tỷ đồng. Số rút chủ yếu nợ đến hạn nhưng do khất, hoãn, giãn trước mùng 6. Đặc biệt thống kê đến chiều 8/12, số đáo hạn gửi tiếp, số gửi mới đã tăng hơn ngày hôm qua 50%.

Ông Hà cho biết, Tổ công tác ban chỉ đạo xác định sau 2 ngày hoàn toàn đã ổn định tình hình chi trả cho người dân. Duy nhất tại TP.HCM trong ngày 7/12, tại một điểm giao dịch của SCB có đông người tụ tập tìm hiểu thông tin sáp nhập, trong đó có rút tiền. Điều này là dễ hiểu vì trong ngày đầu tiên, thị trường bao giờ cũng thử niềm tin nhưng các ngân hàng chủ trương cho phép thỏa mãn, đầy đủ, kịp thời; không khất, hoãn, giãn nợ đối với bất kỳ nhu cầu rút tiền nào.

Tình trạng trên chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Sau khi hiểu rõ vấn đề, người dân đã yên tâm và mọi giao dịch trở lại ổn định.

SCB triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để hợp nhất.

Ngày 8/12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, SCB sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 15/12 để xin ý kiến về việc hợp nhất SCB với Ngân hàng TMCP Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa cùng các nội dung liên quan. Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần của SCB trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền kiến nghị các vấn đề đưa vào chương trình Đại hội. Kiến nghị phải được lập bằng văn bản và phải được gửi đến SCB chậm nhất ba ngày làm việc trước ngày khai mạc Đại hội.

Đây cũng là việc mà hai ngân hàng còn lại phải làm để lấy ý kiến cổ đông, chuẩn bị cho việc hợp nhất. Một chuyên gia BIDV tham gia trong quá trình này cho biết, đây là một trong những việc cần thiết phải làm đầu tiên. Từ nay đến 31/12, sẽ cấp tập rất nhiều việc như: đại hội cổ đông, xây dựng điều lệ hợp nhất, tính toán vốn và tài sản để định giá, điều chỉnh cơ cấu cơ cấu cổ đông...

Đáng chú ý, các ngân hàng sẽ phải tiến hàng kiểm toán hợp nhất, thông thường quá trình kiểm toán kéo dài 3 tháng nhưng trong trường hợp này sẽ kéo dài hơn. Đơn vị kiểm toán sẽ do Ngân hàng Nhà nước chọn nhưng về cơ bản sẽ là những đơn vị độc lập, có uy tín và tốt nhất là một đơn vị kiểm toán quốc tế.

Trong khi đó, phía BIDV cũng đã lên danh sách gồm 22 lãnh đạo và chuyên gia giỏi của mình cử sang các ngân hàng để bước đầu tham gia vào quá trình hợp nhất. Bên cạnh đó, BIDV còn huy động 3 phó tổng giám đốc và 10 giám đốc các ban chuyên môn tham gia tư vấn, hỗ trợ quá trình này. Bước đầu, lực lượng này sẽ hợp tác với các ngân hàng để khảo sát thực trạng, mô hình mạng lưới, cấu trúc sở hữu và đánh giá bước đầu toàn bộ chất lượng tài sản có, tài sản nợ, các khoản cấp tín dụng đầu tư trái và cổ phiếu...dự kiến kết thúc vào 25/12. Trên cơ sở đỏ sẽ có khuyến nghị để các ngân hàng này có các phương án xử lý phù hợp trong quá trình hợp nhất.

Ông Hà cho biết, BIDV là được giao nhiệm vụ quản lý phần vốn này với tư cách là cổ đông nhà nước, hỗ trợ các ngân hàng này về nhân lực, giải pháp để hợp nhất. Đây là điều hết sức bình thường. Vốn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước là hoạch toán riêng, không ảnh hưởng đến những tài sản và vốn của BIDV. Thực tế, đối với BIDV điều này là bình thường, ngân hàng đã có kinh nghiệm trong việc hộ trợ các ngân hàng khác khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vào thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á và nhất là xử lý Ngân hàng cổ phần Nam Đô trước đây.

Với tư cách đại diện vốn của nhà nước, BIDV tham gia vào hội đồng quản trị và ban điều hành, kiểm soát.. Cụ thể, BIDV có thể sẽ nắm vị trí Phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, ban kiểm soát và các ban chuyên môn khác.... Tuy nhiên, đây hoàn toàn là việc đại diện phần vốn nhà nước, hoàn toàn không có nghĩa là BIDV có tỷ lệ cổ phần ở đây, phần vốn là của nhà nước và tỷ lệ bao nhiêu do nhà nước quyết định. Tất cả khoản vốn hỗ trợ của nhà nước cho 3 ngân hàng này về thanh khoản được theo dõi và hạch toán riêng, không làm ảnh hưởng đến cân đối kế toán, tài chính của BIDV

Mô hình cụ thể sẽ do các ngân hàng này quyết định nhưng có sự tham gia góp ý của BIDV. Tuy nhiên, bất cứ mô hình nào cũng phải nhanh chóng đáp ứng các chỉ số an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước đề ra, nhanh chóng thu hồi nợ, đánh giá các tài sản đảm bảo nợ... Đưa ra mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế.

Thực tế, các ngân hàng có những khó khăn do mất thanh khoản tạm thời nhưng có nhiều tài sản là BĐS tốt. Điều lạ là một thuận lợi cho quá trình hợp nhất của các ngân hàng này theo bước chấn chỉnh các hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Sau khi hợp nhất, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, các hoạt động sẽ phải kiểm soát chặt để nâng cao chỉ số an toàn. Ngân hàng mới phải đi đúng quỹ đạo chung rồi mới tính đến chuyện gia tăng hiệu quả kinh doanh.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF