Bao giờ hạ lãi suất?

Cập nhật 21/01/2012 10:15

Trước câu hỏi nóng sốt - bao giờ thì hạ lãi suất? Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình mới đây đã khẳng định chưa thể hạ lãi suất và dỡ bỏ trần lãi suất huy động cho đến ít nhất tháng 6 tới.

Theo ông, ngoài yếu tố lạm phát (đã giảm nhiệt) như là một điều kiện cần, để giảm lãi suất thì vẫn còn thêm điều kiện đủ nữa là phải giải quyết vấn đề khó khăn thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Theo giải thích của ông và cách hiểu của nhiều người, vấn đề thanh khoản xuất phát từ việc các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, và đặc biệt là cho vay quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, vốn đang bị đóng băng nên thanh khoản của các ngân hàng càng thêm khó khăn. Thanh khoản khó khăn nên các ngân hàng càng thắt chặt hầu bao của mình, không dễ dãi cho vay các ngân hàng khác và cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, hoặc nếu có thì cũng cho vay với lãi suất cao, càng đẩy mặt bằng lãi suất lên cao nữa.

Như vậy, cách hiểu trên dường như tách biệt vấn đề khó khăn thanh khoản với việc áp dụng trần lãi suất huy động nói riêng và lãi suất nói chung. Đây là một cách hiểu chưa chính xác.

Trước tiên, cần phải khẳng định một điều mà dường như người ta, kể cả NHNN, đã vô tình hoặc hữu ý "quên" một thực tế rằng, lãi suất thực ra đã được (bị) giảm một cách bắt buộc, khiên cưỡng. Điều này thể hiện chính ở việc áp dụng trần lãi suất huy động nhằm cố gắng kéo tụt mặt bằng lãi suất nói chung xuống trong bối cảnh NHNN không muốn sử dụng các công cụ tiền tệ của mình để giảm lãi suất (bằng cách tăng cung tiền) vì nỗi lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại ngay. Và thực tế là trước khi áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm, lãi suất huy động đã được các ngân hàng đua nhau đẩy cao lên trên 20%/năm tùy kỳ hạn và số tiền gửi, bất chấp "đồng thuận" của các ngân hàng dưới bàn tay đạo diễn của NHNN giảm lãi suất huy động về 14%.


Chỉ sau khi NHNN quá "sốt ruột" với tình trạng "đồng thuận" một đằng, làm một nẻo của các ngân hàng thương mại nên mới ra mặt dùng quyền lực của mình thẳng thừng áp đặt trần lãi suất huy động 14%/năm. Lãi suất huy động ngay lập tức tụt xuống mức này trên danh nghĩa (chứ trên thực tế thì khác). Do đó, ở khía cạnh này, có thể nói lãi suất thực ra đã được (bị) NHNN làm cho giảm đi, ít nhất là đối với lãi suất huy động, chứ không phải là chưa (được) giảm như mọi người vẫn quan niệm.

Điều đáng nói là dư luận nói chung và các nhóm lợi ích nói riêng lại đòi hỏi lãi suất phải hạ thấp hơn nữa, bằng cách yêu cầu NHNN hạ trần lãi suất huy động xuống dưới 14% (dự kiến là 12%). Đến đây, vấn đề đã rắc rối, khó chữa lại càng trở nên rắc rối, khó chữa hơn.

Như đã nói ở trên, ngay cả lãi suất trần 14%/năm cũng đã tỏ ra là quá thấp không khuyến khích được tiền gửi, buộc các ngân hàng trước đó và hiện nay vẫn liều mình bất chấp sự giám sát và đe dọa trừng phạt của NHNN để mời chào tiền gửi với lãi suất cao như cũ (trên 20%). Nếu NHNN không muốn nới lỏng cung tiền để cứu trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng (với cái giá phải trả là lạm phát tái hồi) thì NHNN cần phải khôn ngoan hơn bằng cách nhanh chóng dỡ bỏ trần lãi suất huy động, tạo điều kiện để các ngân hàng nâng lãi suất huy động mang tính cạnh tranh nhằm cứu thanh khoản cho chính mình và cho cả hệ thống ngân hàng nói chung. Nếu giả thiết NHNN lại hạ thấp hơn nữa trần lãi suất xuống 12%, chắc chắn tình trạng vượt rào lãi suất càng diễn ra quyết liệt.

Chừng nào mà thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt nhờ tự do hóa lãi suất (huy động), các hậu quả đi kèm với khó khăn thanh khoản nêu ở trên sẽ được khắc phục dần dần, và lãi suất cho vay vì thế cũng sẽ giảm nhiệt.

Ở đây, cần chú ý một điều là dư luận dường như đồng tình ở chỗ: NHNN nên áp dụng trần lãi suất cho vay, coi đây là phương cách giảm lãi suất cho vay nhanh nhất. Tuy nhiên, điều nguy hiểm của trần lãi suất cho vay là ở chỗ, ngoài chuyện các ngân hàng vẫn dễ dàng lách luật được như đối với trần lãi suất huy động, việc cho vay với lãi suất bị khống chế (thực chất là lãi suất thấp hơn mức thị trường đòi hỏi) sẽ càng đẩy hệ thống ngân hàng vào khó khăn về thanh khoản khi đầu vào bị hạn chế (tiền gửi sụt giảm khi có mặt của trần lãi suất huy động, hoặc nếu không có trần lãi suất huy động thì ngân hàng thương mại phải trả lãi suất huy động cao gần bằng hoặc hơn cả trần lãi suất cho vay; còn NHNN thì hạn chế bơm thêm tiền để giúp hệ thống ngân hàng). Tình trạng này còn tệ hại hơn cả tình trạng doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao, vì trong trường hợp này, ngoài doanh nghiệp, sẽ có thêm cả khối ngân hàng cũng bị "ngắc ngoải".

Tóm lại, để giảm lãi suất thì điều tưởng như nghịch lý là trước tiên vẫn phải tăng hoặc duy trì lãi suất (cả huy động và cho vay) ở mức cao. Khi lãi suất ở mức cao, lạm phát và kỳ vọng lạm phát sẽ giảm đi. Ngoài ra, lãi suất cao (cả huy động và cho vay) sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Một khi các điều kiện cần và đủ để hạ lãi suất, theo cách nói của Thống đốc và cách hiểu của nhiều người, được thỏa mãn thì lãi suất (cho vay và huy động) sẽ tự động giảm đi. Hiểu được như vậy rồi thì cần phải xóa bỏ ngay trần lãi suất huy động và không được áp dụng trần lãi suất cho vay. Đây mới chính là con đường an toàn nhất và ngắn nhất dẫn đến hạ lãi suất, chứ không phải là việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém (thực chất chỉ là sự ghép cơ học chúng lại với nhau) như NHNN đã và đang chủ trương đẩy mạnh thực hiện, với mục đích như tuyên bố là giải quyết khó khăn thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, coi đó là điều kiện đủ để hạ lãi suất.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN