Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 50 năm. Song, vấn đề đang gây băn khoăn trong giới doanh nghiệp và khách hàng nước ngoài là nếu họ bán hoặc tặng cho một cá nhân người nước ngoài khác thì thời hạn sẽ là 50 năm hay chỉ là thời gian còn lại.
Ông Yoshida Akio, Trưởng đại diện Tập đoàn Kitakei (Nhật Bản) tại TPHCM, một người nước ngoài đang có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam đang chia sẻ trong một hội thảo cuối tuần trước. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Theo dự thảo Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại.
Có thể hiểu nôm na rằng, nếu một người nước ngoài mua và ở tại một căn hộ 20 năm, thì sau khi họ bán hoặc tặng cho một người nước ngoài khác thì người sau chỉ được sở hữu căn hộ trong 30 năm còn lại.
Trong văn bản gửi lên Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp và không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, ông Châu đề nghị, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa là 50 năm.
Đây cũng là một trong những băn khoăn lớn của nhiều người nước ngoài có ý định mua nhà tại Việt Nam sau ngày 1-7, thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Chris Owen, một người Anh hiện đang ở thuê một căn nhà tại khu dân cư Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đang có ý định mua nhà tại Việt Nam cho rằng, quy định sở hữu nhà tối đa 50 năm, dù sau đó được gia hạn, như luật mới là quá ít.
Ông Chris Owen cho rằng theo quy định thì sau 50 năm số tiền mà người nước ngoài bỏ ra đầu tư để mua nhà trở thành con số 0, điều này tạo ra sự bất an cho khách nước ngoài như ông. Theo ông, thời hạn sở hữu này nên được nâng lên 70-90 năm như quy định ở nhiều quốc gia khác sẽ tạo được độ an tâm hơn cho khách hàng nước ngoài, tất nhiên kèm theo điều kiện được gia hạn thêm thời hạn sở hữu.
Tuy nhiên, trả lời vấn đề này trong một hội thảo về các dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 tại TPHCM cuối tuần trước, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị định trên khẳng định, theo tinh thần của luật mới thì thời hạn sở hữu nhà dành cho người nước ngoài vẫn là 50 năm.
Trong trường hợp người nước ngoài mua lại nhà từ một người nước ngoài khác tại Việt Nam chỉ được sở hữu trong thời gian còn lại. Dĩ nhiên, người được mua, tặng nhà từ một người nước ngoài khác sẽ được quyền gia hạn, tối đa là một lần kể từ ngày hết hạn giấy chứng nhận sở hữu được cấp cho người mua đầu tiên, ông Ninh cho biết.
Cũng trong hội thảo này, ông Yoshida Akio, Trưởng đại diện Tập đoàn Kitakei (Nhật Bản) tại TPHCM lại cho rằng, quy định chỉ cho người nước ngoài sở hữu không quá 30% căn nhà trong một dự án là quá ít và không phù hợp mà nên tăng lên 40-50% với dự án đặc thù. Đồng thời, ông Yoshida cũng cho rằng, các thủ tục mua nhà cho người nước ngoài cần chi tiết, căn kẽ hơn như vấn đề về visa, hợp đồng …để họ sớm mua được nhà.
Tạo điều kiện cho người gốc Việt mua nhà
Ông Lê Hoàng Châu (HoREA) cho rằng, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước.
“Do vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để xử lý các trường hợp nêu trên để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà”, HoREA đề xuất.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Trần Hoà Phương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho hay, hiện tại, cộng đồng Việt kiều tỏ ra hồ hởi về quy định cho Việt kiều được sở hữu nhà như người trong nước, theo tinh thần của Luật Nhà ở 2014.
Song, theo ông Phương, cần có cơ chế thông thoáng, đơn giản hơn để chứng minh gốc Việt Nam của người Việt Nam đã sống lâu năm ở nước ngoài.
Chẳng hạn với quy định, trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài còn giá trị thì phải có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam cũng khó khả thi.
Theo ông Phương, nhiều nước trên thế giới chỉ cho công dân mang một quốc tịch nên nhiều người Việt Nam nhập tịch nước sở tại đã mất quốc tịch Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG