5 lối thoát cho nợ xấu

Cập nhật 10/11/2012 08:28

Khi nợ xấu đủ lớn đe dọa sự an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô, việc xử lý nợ xấu cần đến sự can thiệp của Chính phủ, kể cả phải sử dụng nguồn ngân sách hoặc vốn vay từ nội lực hay bên ngoài.
 

Thị trường BĐS đang suy giảm và đóng băng là một trong những yếu tố gây ra nợ xấu cua NH - Ảnh: BÌNH AN

Nghiêng về quản lý tài sản

Nhìn nhận nợ xấu của ngành ngân hàng (NH) do nhiều nguyên nhân khác nhau và là sự tương phản của bức tranh kinh tế vĩ mô, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho rằng, nợ xấu cũng gắn liền với sự ứ đọng vốn trong sản xuất kinh doanh, hàng hóa tồn kho, công trình đầu tư dở dang và thị trường BĐS suy giảm.

Với hàng loạt những yếu tố gốc rễ trên đây, việc xử lý nợ xấu của hệ thống NH không phải là trách nhiệm riêng của ngành NH và đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp xử lý đồng bộ, bao gồm TCTD tự xử lý, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý hàng tồn kho, “phá băng” thị trường BĐS, kích thích đầu tư, tiêu dùng và hệ thống cơ chế, chính sách kèm theo.

Ở nhóm giải pháp về cơ chế tín dụng và an toàn hoạt động NH, cơ quan Thanh tra giám sát cho hay, hiện NHNN có những giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ TCTD và DN trong việc điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của DN, cấp tín dụng hợp vốn đối với các dự án lớn có hiệu quả cũng như tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ, thực hiện mua bán nợ. Ngoài ra, cơ quan này cũng xây dựng quy định mới về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn và mở rộng phạm vi tài sản có tiềm ẩn rủi ro tín dụng phải phân loại và trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đầy đủ hơn thực trạng nợ xấu và hạn chế nợ xấu gia tăng...

Với tình hình nợ xấu hiện nay và để đảm bảo xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông vốn cho nền kinh tế, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho rằng, giải pháp căn cơ và hữu hiệu nhất hiện nay là cần khẩn trương thành lập Cty quản lý tài sản thuộc NHNN (VAMC) để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu.

Giải pháp này xuất phát từ nhu cầu cần phải có một tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, có khả năng tiếp nhận và xử lý tập trung các khoản nợ xấu của các TCTD với quy mô lớn để tối đa hóa giá trị thu hồi vốn. Quan điểm cho rằng, VAMC sẽ là một DN đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ thành lập, được tổ chức dưới hình thức Cty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước và hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận và chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của NHNN. VAMC thực hiện mua, tiếp nhận các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng tài sản, chủ yếu là BĐS. TCTD bán nợ theo đó được thanh toán bằng trái phiếu hoặc bằng công cụ nợ đặc biệt do VAMC phát hành.

Căn cơ BĐS

Song dù có VMAC, việc xử lý khối nợ xấu của hệ thống NH vẫn cần đến nhóm giải pháp của TCTD như một giải pháp then chốt. Ngoài việc cơ cấu lại nợ, dãn thời gian trả nợ và xem xét miễn-giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt nhằm tạo nguồn thu cho khách hàng trả nợ, các TCTD cũng cần tích cực xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ để thu hồi vốn, giảm nợ xấu, tiếp tục đầu tư, cho vay đối với khách hàng có nợ xấu do khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phục hồi và phát triển tốt. Đồng thời, chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của DN vay đồng thời tham gia cơ cấu lại DN.

Theo “gợi ý” của cơ quan Thanh tra giám sát, việc bán nợ cho các tổ chức- đặc biệt là bán nợ cho các Cty mua bán nợ và Cty quản lý tài sản- cũng là giải pháp cần được thực hiện.

Đánh giá thị trường BĐS suy giảm và đóng băng thời gian qua ảnh hưởng xấu đến khả năng thu hồi các khoản tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS và các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản; để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trong thời gian qua NHNN thực hiện việc nới lỏng cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS thông qua việc loại trừ khỏi dư nợ cho vay bị hạn chế đối với một số nhu cầu vay vốn để đầu tư, kinh doanh BĐS.

Đáng lưu ý trong thời gian tới đây, dự kiến hàng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường BĐS sẽ được triển khai. Các giải pháp đáng chú ý bao gồm miễn-giảm thuế VAT cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DN đầu tư nhà xã hội, tạo điều kiện cho DN chuyển đổi nhanh cơ cấu các dự án BĐS...

Ngoài các giải pháp trên, các giải pháp khác mang tính hỗ trợ và phối hợp từ các bộ, ngành cũng rất quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Các nhóm giải pháp này sẽ tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua việc miễn - giảm thuế, dãn thời hạn nộp thuế, triển khai các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng. Đồng thời bố trí đầy đủ vốn thanh toán cho các công trình, dự án đầu tư để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản ở cả TƯ và địa phương, tăng quy mô và hiệu quả quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH của DN. Các giải pháp hỗ trợ này sẽ thúc đẩy xử lý hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động