30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà: Vướng mắc mới

Cập nhật 20/08/2013 08:40

Việc triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở cho đến nay có thể nói chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Trong khi những vướng mắc đang được tháo gỡ thì vẫn tiếp tục phát sinh những khó khăn chưa thể tháo gỡ.

Thiếu nguồn cung


Để chứng minh cho thực trạng này, ông Nguyễn Viết Mạnh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dẫn chứng số liệu cho biết: Mặc dù tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn hộ, nhưng lại tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể.

Mặt khác, do trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2/căn và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Do đó, nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân đủ điều kiện vay mua, thuê, thuê mua nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở còn hạn chế.


Nguồn cung về nhà ở xã hội thiếu là rào cản khách hàng tiếp cận nguồn vốn 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo được NHNN đưa ra cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng xác nhận nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm là chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để người dân lựa chọn ký hợp đồng mua và thỏa mãn điều kiện vay.

Việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường. Nhìn từ trường hợp Đà Nẵng - địa phương hiện đang dẫn đầu tốc độ giải ngân, ông Nguyễn Trọng Ninh- Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản lý giải: Sở dĩ Đà Nẵng là địa phương đạt tỷ trọng giải ngân cao nhất vì các cơ quan, ban ngành tại đây được đánh giá một trong những địa phương dẫn đầu về quan tâm giải quyết các chương trình, chính sách nhà ở cho người dân, người thu nhập thấp.

“Trước khi có gói 30.000 tỷ đồng Đà Nẵng đã có hàng chục dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân”- ông Ninh xác nhận.

Gỡ mớ rối thủ tục

Sắp có phiên giao dịch nhà ở xã hội
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức “Phiên giao dịch bất động sản lần 2” từ 18 đến 20.10 tại Hà Nội. Dự kiến có 100 gian hàng gồm các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho nhu cầu thực. Mục đích của phiên giao dịch này nhắm đến là các bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp, phù hợp với nhu cầu thực hiện nay như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dưới 15 triệu đồng/m2.
 

Cũng trong buổi cập nhật tình hình triển khai gói tín dụng này vào cuối tuần trước, đại diện NHNN và Bộ Xây dựng đều hứa hai nội dung vướng mắc lâu nay kể từ khi triển khai chính sách này, về công nhận tài sản thế chấp khi vay vốn bằng chính căn hộ được mua và vướng mắc trong việc yêu cầu UBND các xã, phường xác nhận về thực trạng nhà ở trong phạm vi địa bàn quản lý cho khách hàng sẽ sớm được khắc phục.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Để thực hiện gói hỗ trợ này có hiệu quả và đồng bộ, tất cả các ngân hàng được chỉ định thực hiện cần xây dựng bộ chỉ tiêu giống nhau, khi nào thực hiện, điều kiện cho vay ra sao, bước nào cho doanh nghiệp, bước nào cho người dân… cần thống nhất. “Không thể để tình trạng tùy tiện, muốn giải ngân phần nào trước cũng được.

Ngoài ra, ngân hàng cần phải có những sản phẩm tín dụng có cấu trúc phù hợp cũng như hoạch định phương án, cách thức trả nợ gốc, nợ lãi, theo dư nợ gốc hay dư nợ giảm dần, để người dân được chủ động với khoản vay của mình”-ông Hiếu đề xuất.



DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt