Nội thất trong nhà tìm ra vượng khí

Cập nhật 30/07/2014 08:30

Khi làm nhà, bạn phải nghiên cứu bố trí các cửa chính, cửa sổ, cầu thang (nếu là nhà cao tầng); rồi sắp đặt các phòng. Trong một phòng, bạn lại phải nghiên cứu để sắp đặt đồ đạc ra sao: Giường ngủ kê thế nào? Bàn làm việc ở đâu?... Đó chính là việc cấu trúc, bố trí nội thất.

Để tìm ra vượng khí, phong thủy quan niệm cửa giả được coi như là môi, miệng, mắt để chuyển khí vào nhà. Phòng lớn như là động mạch chính dẫn khí đi vào các phòng khác trong ngôi nhà. Đồ đạc, cây cối, các vật trang trí, cửa giả bên trong như là mạch máu nhỏ làm thông khí.

Trong việc ứng dụng phong thủy có âm trạch (xem nơi đặt mồ mả) và dương trạch (xem nơi làm nhà). Những thầy địa lý ngày trước thường rất quan tâm đến âm trạch. Họ chú ý đến việc đi tìm những nơi đất tốt để đặt mồ mả, tin rằng làm như thế các thế hệ sau sẽ gặp vận hội may mắn, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, ít có cơ sở để giải thích được mối liên hệ giữa nơi an táng người đã khuất với cuộc sống của con cháu họ sau này, nhất là đối với chuyện làm ăn, học hành, đỗ đạt, thăng quan tiến chức.

Vì vậy, các thầy địa lý thường bị phê phán và việc xem âm trạch bị coi là chuyện mê tín, nhảm nhí.

Sách “Chích di” chép: Trong một lần đi săn, vua Đường Huyền Tôn đến một cánh đồng, ngựa của vua phi nhanh chỉ có ngựa của Bạch Vân tiên sinh Trương Ước theo kịp. Khi qua đầu núi thấy một ngôi mộ, Trương Ước nhìn chăm chú rồi còn ngoái đầu lại, Đường Huyền Tôn hỏi nhìn cái gì thì Trương Ước đáp: “Chôn lệch đất, yên đầu rồng, gối lên sừng rồng, chưa đến 3 năm tự tiêu trầm”. Cạnh đấy có người tiều phu, Huyền Tôn hỏi ai chôn trong mộ. Tiều phu trả lời là nhà Thôi Tốn dưới núi. Huyền Tôn và Trương Ước đến nhà Thôi Tốn. Con Tốn không biết là vua cứ mặc áo thường ra tiếp. Huyền Tôn bảo: “Ngôi mộ trên núi không phải đất lành”. Con Tốn đáp “Trước khi lâm chung bố tôi có nói: Yên đầu rồng, gối tai rồng, chưa đến 3 năm Hoàng đế đến nhà”. Huyền Tôn vô cùng ngạc nhiên, còn Trương Ước tự than mình không bằng Thôi Tốn, sau đó bỏ lên núi tu hành.

Nhưng truyện “Quách Tấn” trong sách Hậu Hán thư cũng kể, đời Thuận Đế có người ở Hà Nam tên là Ngô Hùng lúc bé nhà nghèo, khi mẹ chết chẳng chọn đất cũng không chọn giờ, cứ thế đem mẹ đi chôn. Thầy cúng bảo: “Ngô Hùng sau này sẽ bị họa diệt tộc”. Nhưng Ngô Hùng và các con sau này đều làm quan đến chức Đình úy, chả thấy tai họa đâu. Nói vậy để thấy, ngay cả đời xưa nhiều người cũng không tin vào âm trạch.

Lại nói về dương trạch, người xưa cũng thường chú trọng đến ngoại thất hơn: xem thế đất, hướng đất để làm nhà là chính. Ngược lại trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta lại cho rằng phong thủy trong nhà (nội thất) ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn núi sông bên ngoài. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự phát triển của xã hội. Xã hội hiện đại cuốn cuộc sống con người vào dòng chảy theo nhịp điệu của đời sống công nghiệp. Con người mải miết tất bật với công việc ở công sở, nhà máy. Hết giờ làm việc về nhà chỉ muốn đóng chặt cửa nghỉ ngơi, tìm sự yên tĩnh trong căn nhà của mình, quan hệ xã hội, sự tiếp xúc với thiên nhiên giảm đi. Vì vậy mà ngoại cảnh ít tác động hơn chăng? Vả lại con người ta sinh ra ngày càng nhiều nhưng đất đai lại không sinh sôi thêm. Vì vậy đất ở, nhất là đất ở các thành phố lớn ngày càng chật chội, nhà cửa san sát. Do đó, người ta cũng ít có cơ hội để tìm kiếm một lô đất (hình dáng, hướng, vị trí…) theo đúng ý mình. Đành phải chấp nhận lô đất có những khiếm khuyết nhỏ nào đó rồi tự cải tạo bằng cách bố trí cửa, các phòng sao cho có lợi nhất làm hạn chế hoặc triệt tiêu những bất lợi của ngoại cảnh. Vì vậy mà phong thủy đi sâu vào cấu trúc nội thất chăng?

Phong thủy ngày nay cho rằng, ảnh hưởng chính từ sự sắp đặt ở văn phòng, nhà ở và ảnh hưởng phụ là ra thế giới bên ngoài của chúng ta (nghĩa là âm tác động dương). Mẫu mực và đời sống của người ta là phản ánh trung thực từ sự cấu trúc, hình dạng và đồ đạc sắp đặt ở trong phòng.

Để tìm ra vượng khí, phong thủy quan niệm nhà cửa như một cơ thể có hoạt động bên trong của nó, cửa giả được coi như là môi, miệng, mắt để chuyển khí vào nhà. Phòng lớn như là động mạch chính dẫn khí đi vào các phòng khác trong ngôi nhà. Đồ đạc, cây cối, các vật trang trí, cửa giả bên trong như là mạch máu nhỏ làm thông khí. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu cách bố trí các cửa (cửa chính, cửa thông gió, cửa sổ), cầu thang, sắp xếp đồ đạc trong các phòng… để bạn đọc tham khảo.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng