Nguyên tắc sử dụng tượng con giáp và tượng linh vật

Cập nhật 06/09/2015 07:55

Trong nguyên tắc bài trí bằng tượng 12 con giáp (hoặc tượng linh vật), phong thủy đặc biệt chú ý đến các địa chi thìn, tuất, dần, ngọ và linh vật rùa.


Tượng "mã kéo bắp cải" được nhiều người yêu thích.

Thìn vừa thuộc bộ tứ linh, vừa là 1 trong 12 địa chi nên khi bài trí tượng rồng cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc sau: Phối hợp bài trí cùng các đồ vật lợi về thủy, như bể cá, bể non bộ, đài phun nước…

Hướng đầu rồng nên quay về khu vực thủy vượng, như ao hồ, sông suối, giếng nước, đường giao thông, hành lang, cửa sổ, cửa ra vào hoặc những nơi có không gian rộng rãi…

Tượng rồng tốt nhất bài trí ở hướng bắc. Đây là giải pháp quan trọng đối với những kiến trúc tọa bắc, hướng nam hoặc những không gian xa nguồn nước, không có điều kiện “hướng thủy”, cận thủy…

Chọn những bức tượng đầu rồng hướng từ trái sang phải, tức là khi chúng ta đứng đối diện với bức tượng, đầu rồng tương ứng với vai hoặc cánh tay trái.

Kỵ đặt tượng rồng hướng vào phòng ngủ hoặc phòng trẻ nhỏ. Rồng tuy là linh vật đại biểu cho sự hưng vượng, phát triển nhưng đồng thời cũng là đại biểu của uy vũ. Cả về phương diện văn hóa tâm linh lẫn phong thủy đều không phù hợp hướng vào phòng ngủ và phòng trẻ nhỏ.

Không bày tượng rồng và tượng địa chi tuất trong cùng một không gian hoặc bày đối xứng nhau trên thực địa. Không đặt tượng rồng tại cung tuất, tượng tuất không được đặt tại cung thìn.

Đối với địa chi dần, phong thủy không khuyến khích bài trí trong phòng ăn, phòng ngủ, phòng trẻ nhỏ… Tượng hổ (tranh hổ) chỉ nên bày ở phòng khách, phòng làm việc, công sở hoặc phòng thờ tự.

Tượng, tranh hổ có giá trị hóa sát rất lớn, phù hợp với những nơi thờ thần thánh, với những người công tác trong quân đội, ngành tư pháp, võ đường, người tuổi dần hoặc những người làm việc trong một số ngành đặc thù khác.

Phải tùy theo ngành nghề, chức năng của kiến trúc nơi trưng bày và mục đích sử dụng để lựa chọn tượng hổ phù hợp. Tượng hổ thường có các đề tài: Xuất sơn (đầu và mặt tượng hướng lên phía trước, mắt nhìn thẳng hoặc nhe nanh múa vuốt), quy sơn (thân hướng về núi, đầu quay ngược lại), hổ phục (nằm quay đầu từ phải sang trái) hoặc hổ đi theo cặp (hổ đực và hổ cái song hành).

Hóa sát nên chọn hổ xuất sơn hoặc quy sơn. Trang trí làm đẹp không gian, trợ vận nên chọn hổ phục hoặc hổ đi theo cặp. Với mục đích trang trí, tượng hổ không có sát khí, rất phù hợp với phong thủy phòng khách, phòng làm việc.

Tượng quy (rùa) thường chỉ phù hợp với những không gian kiến trúc cần trấn yểm hoặc hóa sát, không phổ biến trong trang trí nơi ở hoặc nơi làm việc, vì vậy chủ yếu được đặt ở đền chùa, miếu mạo.

Trong một số trường hợp cụ thể, rùa được coi là linh vật hấp thu tinh khí của trời đất, có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ của người già, và do đó có thể trang trí phòng khách, phòng làm việc của người cao tuổi. Tượng rùa cũng phải bài trí theo nguyên tắc “lợi thủy” như đối với tượng rồng.

Đối với tượng (tranh) ngựa, dù có thể dùng để trang trí ở mọi không gian kiến trúc, ở tất cả các phương hướng nhưng không nên đặt tại cung tý.

Tượng (tranh) ngựa phổ biến nhất là các đề tài: Tuấn mã (đơn), song mã (đôi), bát mã (tám) hoặc thiên mã (đàn), trong đó đại kỵ ngũ mã (5 con ngựa) hoặc trong cùng một không gian bày 5 tượng ngựa. Phương vị tốt nhất để bày tượng (tranh) ngựa là hướng tây bắc, tây nam, chính nam. Ngựa là biểu tượng của chính nghĩa, chiến thắng, thành công, hưng vượng, cao thượng và tận tụy, thông minh.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động