Hình dạng, kiến trúc nhà và tác động đến phong thủy

Cập nhật 28/07/2018 09:02

Cho đến nay, nhiều người vẫn băn khoăn, không biết hình dạng ngôi nhà có ảnh hưởng gì tới phong thủy hay không? Mối tương quan giữa phong thủy, kiến trúc được thể hiện như thế nào?

Hình dạng nhà theo phong thủy

Trước đây, đất rộng người thưa, người ta thường xây nhà ở một tầng, có phần mái bao phủ toàn bộ ngôi nhà là hình chữ nhật hoặc hình vuông. Hình dáng tổng thể từ trên xuống của ngôi nhà không bị khuyết góc hay thừa thẹo gì. Nhưng với kiến trúc hiện thời, thì các nhà đều có các tầng lầu và có nhiều hình dáng khác nhau theo phong cách kiến trúc khác nhau, mặt bằng công năng cũng không vuông vức, có khi khuyết ở các góc khác nhau. Vậy hình dáng của toàn công trình và mặt bằng không vuông vức có ảnh hưởng tốt xấu theo phong thủy không?

Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện lý học phương Đông hình dạng nhà cũng đã được phân theo ngũ hành:

Hình vuông thuộc có ngũ hành là thổ, nhà xây trên nền đất cho nên hình vuông là hình phù hợp nhất theo phong thủy. Tuy nhiên, có nhiều loại công trình khác nhau, có công trình lại xây giữa ao hay hồ, dạng như thủy đình, hay nhà hàng trên sông.

Hình chữ nhật có hình dáng dài, cho nên được xếp là ngũ hành mộc. Và các công trình trên mặt nước hay nửa trên bờ và nửa đua trên nước thì lấy hình chữ nhật là phù hợp với phong thủy, để lấy được ngũ hành của thủy sinh ngũ hành mộc của công trình.

Hình tròn có ngũ hành là kim, cho nên mộ người ta cũng hay xây hình tròn hoặc bát giác, vì thổ của đất sinh ngũ hành kim. Còn nhà ở thì ít xây hình tròn vì không gian sử dụng khó đặt đồ, tuy nhiên các công trình trên mặt nước thường được lấy là hình tròn hoặc lục giác, vì lấy ngũ hành kim tương sinh với ngũ hành thủy.

Hình tam giác thuộc về hỏa, cũng ít được sử dụng trong công trình nhà ở, chỉ có Kim tự tháp hoặc các công trình đặc thù mới dùng.
Hình uốn lượn được xếp vào ngũ hành thủy, cũng ít được lấy làm thiết kế kiến trúc, vì ngũ hành thủy và thổ xung phá nhau, hơn nữa về mặt không gian khó sắp đặt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp làm phần mái uốn lượn để mô phỏng ý tưởng, ví dụ khi quan sát Trung tâm hội nghị Quốc gia trên đường Phạm Hùng, Hà Nội sẽ có liên tưởng phần mái nói lên hình tượng con thuyền lướt trên sóng.

Cửu cung với nhà ở

Như vậy, phần hình dáng của công trình đã được phân ra phù hợp với ngũ hành theo phong thủy. Để xem ảnh hưởng của hình dạng nhà, trong số này, chúng ta cùng nhìn nhận về kiến trúc của nhà ở là biệt thự.

Đối với ngôi nhà có mặt bằng công năng là hình vuông thì các cung tốt vẫn đầy đủ, được chia thành 9 cung, trong đó 8 cung ứng với 8 hướng và cộng thêm trung cung thành 9 cung. Luôn luôn được phân thành 3 cung tốt, 3 cung bình, 3 cung xấu. Chính vì vậy, một ngôi nhà mà bỏ đi cung tốt thì nhà đó bớt thịnh, nếu bỏ đi cung xấu thì nhà đó sẽ tốt lên.

Nếu mặt bằng ngôi nhà vuông, mà phần mái có khuyết bên trái hay bên phải cũng chẳng ảnh hưởng gì. Vì nhìn từ trên xuống, tức là từ thiên xuống địa, thì hình dáng tổng thể của ngôi nhà là bao gồm tất cả các tầng. Quan trọng là người ngủ ở phương vị nào trên 9 cung, tức là nhân đặt ở vị trí nào trên 9 cung tính theo Thiên và Địa. Cho nên, dù hình dáng của mái ngôi nhà có khuyết góc nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến phong thủy tốt xấu của toàn bộ ngôi nhà.

Phần mái nhà có các góc chĩa ra các hướng khác nhau, tạo nên các xung khí mạnh hướng ra, cho nên ảnh hưởng đến các không gian xung quanh, chứ không ảnh hưởng đến không gian trong nhà. Xung khí của nhà này ảnh hưởng đến nhà kia, do đó, góc nhọn nhà khác sẽ ảnh hưởng tới nhà của mình. Vì vậy, trên một lô đất có nhiều công trình phải tính quy hoạch kiến trúc cùng với quy hoạch phong thủy ngay từ đầu, để các công trình không xung phá nhau.

Các cụ thường có câu “góc ao, đao đình” chĩa vào nhà, thì nhà hay gặp chướng họa. Ngày xưa các cụ khi làm các đầu đao đều có hoa văn và hình tượng các linh vật ngậm đầu đao, vừa hóa giải phong thủy và vừa tạo nên các hoa văn đẹp; còn thời bây giờ, xây chùa đình bằng bê tông lại làm trơn tru và rõ hình dáng đầu đao, cho nên tạo ra nhiều xung xạ xấu. Có một cách hóa giải khác là trồng cây chắn các góc đầu nhọn chĩa ra, hoặc góc ao cũng trồng cây để trấn, hay nắn thủy sao cho tụ vào nơi vượng khí để sinh tài lộc.

Từ mặt bằng kiến trúc được án ngữ đồ hình phong thủy ở trên. Chúng ta thấy trong hình 1, Ảnh 1 - Nhà khuyết góc Bạch hổ, bị khuyết 1/4 góc bên trái khi đứng nhìn vào nhà. Ảnh 2 – Nhà khuyết góc Thanh Long, bị khuyết 1/4 góc bên phải khi nhìn vào nhà. Vậy nhà nào tốt hơn?



Mặt bằng biệt thự khuyết góc 1/4 và mái cũng bị khuyết 1/4

Từ đồ hình trên ta thấy: Ảnh 1 bị khuyết cung họa hại và có bộ sao Vận sơn hướng là 2-4-3, hình 2 nhà bị khuyết cung tuyệt mệnh và có bộ sao vận sơn hướng 9-2-5.

Xét đơn giản theo phái bát trạch là Cung Tuyệt Mệnh rất xấu nên ta khuyết như ảnh 2 là nhà tốt hơn nhà ảnh 1. Từ đó chúng ta thấy nhà khuyết bên nào là tốt không phụ thuộc vào bên Thanh Long hay Bạch Hổ.
Một số hình dạng ngôi nhà người ta có thể xây theo hình chữ U hoặc chữ Y thì cũng theo nguyên lý phong thủy khuyết cũng xấu thì nhà tốt lên, khuyết cung tốt thì nhà xấu đi.

Kiến trúc sư Hoàng Trà cho hay, khi một ngôi nhà hình vuông, thì phần mặt tiền có 3 lựa chọn để mở cửa ra vào: Một là ở chính giữa là chính môn, hai là ở bên trái gọi là tả môn, vị trí thứ 3 là ở bên phải là hữu môn.

Cửa chính góp phần rất lớn khi đón tài vận vào nhà, cửa chính của ngôi nhà gọi là khí khẩu, nạp khí cho ngôi nhà, nó nằm ở phương vị thịnh thì tài lộc của nhà thịnh lên, nằm ở phương vị suy thì tài lộc bị suy theo.

Cho nên, khi thiết kế kiến trúc cho biệt thự khuyết một góc mặt tiền thì cần phải chọn ngay vị trí cửa chính ở cung tốt, nhưng đối với nhà phân chia lô mặt phố thì khó vì chiều rộng mặt tiền nhỏ và chiều sâu lại lớn.

Một số người học phong thủy Loan Đầu sơ cấp cho rằng, cửa và cổng đặt ở bên Thanh Long tốt hơn bên Bạch Hổ, tuy nhiên, theo kiến trúc sư Hoàng Trà, qua rất nhiều kinh nghiệm án ngữ phong thủy trên thực tế, khi đến một công trình mà đọc chuẩn xác năm nào thịnh, năm nào suy, ở phương vị nào có tài lộc và sức khỏe tốt, ở phương vị nào bị chướng họa và hay ốm đau.

Từ đó lấy tâm của công trình đặt vào đồ hình phong thủy, rồi mới chọn được vị trí cổng tốt xấu và gọi là phép tính chọn thành môn. Từ đó chọn cửa, phòng thờ, bếp, giường ngủ, hay thế nhà nên khuyết Thanh Long hay khuyết Bạch Hổ, chứ không phải cứ Thanh Long là tốt và Bạch Hổ là xấu!

Đó là sự liên hệ mật thiết giữa kiến trúc và phong thủy, phải tính toán ngay từ đầu mới giúp cho một ngôi nhà thịnh vượng về tài lộc.

Lý giải về việc hình vuông được ứng dụng nhiều trong thiết kế kiến trúc mặt bằng công trình, ngoài lý do hình vuông có ngũ hành là thổ, thì hình vuông khi phân chia công năng cho ngôi nhà có thể đặt các phòng ở các cung khác nhau, lại rất tiết kiệm về diện tích xây dựng, không gian lại liên hoàn, tạo được nhiều không gian mở.

Một lý do vô cùng quan trọng là liên quan đến phong thủy là, khi chuyển giao giữa các thời vận thì ngôi nhà đổi vận theo phong thủy và các cung tốt xấu khác nhau của ngôi nhà cũng dịch chuyển theo thời vận mới.

Tuy nhiên, chúng ta đâu có dễ chuyển nhà đi nhà khác, hay sửa nhà một cách dễ dàng; do vậy, giải pháp chúng ta chuyển giường sang cung thịnh thì vẫn được tốt về tài lộc và sức khỏe, tức là chọn phòng thịnh về phong thủy theo thời vận mới mà ở, thì vẫn tốt đẹp mà không phải chuyển nhà đi đâu.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản