Góc phong thủy - Nguyên lý cơ bản về phong thủy chung cư: Thao tác thực địa

Cập nhật 27/04/2015 10:31

Chuẩn bị la bàn phong thủy có ít nhất 3 vòng, trên đó định vị rõ 24 sơn - hướng nhà theo nguyên lý phong thủy bát trạch. Chuẩn bị giấy bút để ghi chép, thước đo độ dài, dây để căng định vị, cọc tre để cắm tiêu, đánh dấu… đặc biệt là phải có sơ đồ khu đất và thiết kế sơ bộ toàn khu.

>>Nguyên lý cơ bản về phong thủy chung cư

Ảnh minh họa.

Đặt la bàn tại trung tâm của toàn khu đất để xác định vị trí của các tòa nhà nằm ở hướng nào, cung nào trong khối tổng thể đó.

Cắm ít nhất 4 cọc để định vị nền móng theo đúng diện tích mặt bằng của từng tòa nhà cụ thể. Căng dây theo hai đường chéo để xác định tâm của nền móng. Đặt la bàn tại điểm giao nhau của hai đường chéo để xác định hướng của tòa nhà. Quan sát bốn phương tám hướng quanh nền móng tòa nhà, đồng thời đối chiếu với la bàn để xác định vị trí núi sông, hình thế địa lý và điều kiện môi trường xung quanh.

Sơ bộ xác định sơn chủ, lập hướng của tòa nhà, định vị các khu vực thuộc đông tứ và tây tứ trên nền tòa nhà. Đánh dấu trên bản vẽ hoặc cắm cọc thực địa để tránh nhầm lẫn.

Căn cứ bản thiết kế sơ bộ, đặt la bàn tại vị trí “giọt tranh” trước cửa chính của tòa nhà để xác định các cung vị hoàng tuyền và bát sát. Đánh dấu trên bản vẽ hoặc cắm cọc thực địa để tránh nhầm phạm hoàng tuyền, bát sát khi đặt cổng, cấp - thoát nước, xây bể - đài phun nước, non bộ hoặc làm đường nội bộ, hành lang giao thông…

Toàn bộ số liệu, dữ liệu đo vẽ trên thực địa phải được ghi chép chính xác, thận trọng để phục vụ tính toán phong thủy. Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp chính xác số liệu về diện tích nền móng, chiều cao, dự kiến chức năng từng phòng, căn hộ của tòa nhà, những yêu cầu của chủ đầu tư về phong thủy…

Trên cơ sở dữ liệu, số liệu thu thập tại thực địa, thiết kế phương án phong thủy lần 1, giao cho kiến trúc sư thiết kế chi tiết, theo một tỉ lệ thống nhất. Sau khi có bản thiết kế chi tiết, xác định lại thiết kế phong thủy trên bản vẽ, đồng thời kết hợp với kiến trúc sư để “chốt” phương án xây dựng sao cho phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật trong kiến trúc.

Ở Trung Quốc, từ trước thời Hán người ta đã yêu cầu sử dụng bản vẽ chi tiết trong thiết kế phong thủy các đô thị, thành quách, cung điện. Nhờ thiết kế kiến trúc lớn - nhỏ, cao - thấp, hệ thống giao thông, cấp thoát nước tổng thể phù hợp với địa hình thực tế và quy luật của vũ trụ mà các thành trì cổ luôn bảo đảm được sự ngăn nắp, sinh thái và “mát” đối với cuộc sống sinh hoạt của con người.

Ở Việt Nam, đến thời vua Lê Thánh Tông, từ Tử cấm thành, các cung - phủ, đền miếu… đến các làng, khu buôn bán… đều được quy hoạch rất ngăn nắp, trong đó khu vực 36 phố phường (thủ đô Hà Nội) do đặc điểm đông người và hỗn tạp nên được bố trí từ phía đông xuống đông nam kinh thành là hoàn toàn phù hợp nguyên lý phong thủy.

Trên đây là những nguyên lý, thao tác cơ bản trong thiết kế phong thủy chung cư, công sở. Chúng tôi sẽ trở lại với bạn đọc trong những bài viết riêng về từng loại kiến trúc phối hợp trong chung cư, công sở như thiết kế phong thủy cho phòng điều hành, quản lý; thiết kế phong thủy cho phòng thủ trưởng; sơn - hướng của từng căn hộ chung cư; nguyên tắc thiết kế bếp, nhà vệ sinh…


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động