Việt kiều và “căn hộ cao cấp”

Cập nhật 25/05/2008 09:00

Lòng mừng khấp khởi, anh nghe hiện nay Quốc hội đang bàn cho phép Việt kiều và ngoại kiều được mua căn hộ tại Việt Nam. Anh hãnh diện tự thấy mình thuộc diện được mua một căn hộ.

Lâu nay anh theo dõi thị trường “căn hộ cao cấp”. Anh ngỡ ngàng khi biết tại Việt Nam, giá các căn hộ không thua gì tại các thành phố lớn Âu Mỹ.

Ở TP.HCM giá trung bình của một căn hộ khoảng chừng 2.500 USD/m2 hay cao hơn. Một căn hộ với diện tích chừng 100m2 sẽ có giá 250.000 USD hay 4 tỉ đồng Việt Nam. Số tiền không nhỏ nhưng anh quyết đập ống mua nhà, đầu tư địa ốc không bao giờ lỗ, anh tự nhủ!

Đập vào mắt anh đầu tiên là những dòng quảng cáo các căn hộ đang xây với “giá gốc” và “giá chênh lệch”. Anh bực mình vì chậm chân mà mình phải mua với giá cao. Sau đó anh càng bực mình hơn nữa, không phải vì chậm chân mà vì những dàn xếp nội bộ của giới đầu cơ nhà đất mà anh phải trả tiền chênh lệch càng ngày càng cao so với giá nguyên thủy. Điều này làm anh phải tiêu hóa một thời gian lâu mới xong vì tại những thị trường ổn định như châu Âu hay Mỹ không hề có trò đầu cơ căn hộ ăn chênh lệch này.

Nhưng cũng may cho anh. Anh ham ăn Tết chưa kịp mua thì thị trường đã hạ nhiệt đóng băng và mức chênh lệch đã giảm mạnh, thậm chí anh có thể mua đâu đó với “giá gốc”. Tìm hiểu kỹ thì giá gốc cũng là một con số giả tạo. Giá gốc của một tòa nhà trước đó một năm chỉ có 1.300 USD/m2 mà chỉ sau một năm cũng tòa nhà tương tự bên cạnh, anh phải trả gấp đôi. Nếu bây giờ mua, anh chỉ là nạn nhân của những chủ đầu tư non trẻ và đầy lòng tham. Anh lại bực mình vì vốn đã quen với chủ đầu tư lâu dài và nghiêm túc của những thị trường ổn định ở nước ngoài.

Anh lục xem các chủ đầu tư đó là ai, họ đã xây những công trình nào, chất lượng ra sao. Anh ngỡ ngàng vì đa số đều là những công ty liên doanh mới toanh giữa Việt Nam và nước ngoài, chưa hề xây dựng một công trình quốc tế nào. Ngay cả tại Việt Nam thì họ cũng đang giải tỏa mặt bằng hay đang “xây phần móng”. Anh ngắm các hình phối cảnh trời xanh mây trắng với lòng đầy mơ ước. Các tòa nhà sang trọng nằm bên dòng sông mát mẻ, trên sông đầy du thuyền trắng muốt.

Anh vội thuê xe đi đến nơi và trố mắt nhìn những cánh đồng cỏ lau cao gần đầu người, dừa nước mọc đầy, trong đó hẳn phải còn nhiều rắn rết. Đứng trước tấm bảng chơ vơ vẽ một vùng dân cư sang trọng, anh vận dụng trí tưởng tượng vốn phong phú của Việt kiều như anh để hình dung nơi ăn chốn ở của mình. Anh sờ túi, thấy mình còn nguyên 4 tỉ, anh yên tâm.

Anh lại vào Internet, lùng sục những căn hộ nằm gần thành phố hơn để bớt cảnh dừa nước mọc hoang. Anh bất ngờ khi đọc tin về những công trình mang những danh tính vang dội mà anh đã quen nghe như The Manor, Saigon Pearl. Các công trình ngọc ngà đó đang bị khách hàng kiện tụng vì những lỗi xây dựng kỹ thuật vô cùng căn bản như nhà vệ sinh, hệ thống nước thải, xây sai bản vẽ... Anh vô cùng hoang mang.

Do đâu mà những công trình “hoành tráng” do nước ngoài thiết kế và giám sát xây dựng lại phạm những lỗi thô sơ như thế này. Anh nhớ người xưa hay nói “mua trâu vẽ bóng”, chê trách những ai mua hàng qua những lời hứa hẹn suông. Nhưng đây không phải chỉ là trâu bò, bèo bọt mà cả một gia tài mà số vốn 4 tỉ của anh chưa thấm vào đâu.

Việt Nam ta quả nhiều bí hiểm, anh tự nhủ. Xe anh chạy ngang các ngân hàng, anh đưa mắt đọc bảng quảng cáo lãi suất “huy động” của họ. Anh đọc ba lần mới dám tin ở mắt mình. Lãi suất huy động 12%/năm tức là 1%/tháng. Anh làm bài tính nhẩm. Nếu mình đưa số tiền 4 tỉ này vào sổ tiết kiệm thì mỗi tháng sẽ sinh tiền lời 40 triệu. Anh vội đổi qua tiền USD cho dễ hình dung và khám phá ra mỗi tháng mình sẽ lời 2.500 USD. Anh tính ba lần để biết mình không hề tính dư một con số 0 vì ở phương Tây không thể có mức lời như thế.

Anh la thầm. Thế thì dễ quá. Mình sẽ đợi căn hộ cao cấp đang xây phần móng đó hoàn thiện và giao nhà. Lúc đó hẳn sẽ có người cho thuê. Mình sẽ vào những cái căn hộ hôm nay đang rao bán 4 tỉ đó và xem xét tỉ mỉ. Anh hy vọng tiền thuê nhà sẽ không lên quá 2.500 USD/tháng mà ít hơn nhiều để anh còn tiền đi ăn phở. Anh sẽ xem hệ thống nước thải, hệ thống an ninh, thành phần gia chủ trong nhà. Anh sẽ xem thực có bến du thuyền không. Anh sẽ là “thượng đế” đi chọn nhà thuê với túi tiền sẵn sàng chi mỗi tháng 2.500 USD.

Tâm anh phản kháng. Nhưng lỡ lúc đó tiền lời không còn 1%/tháng, lỡ lúc đó tiền nhà hơn 2.500 USD/tháng thì sao? Thì giải pháp nào cũng có rủi ro của nó, nhưng bây giờ mua nhà rủi ro hơn, anh tự nhủ.

Người thân của anh phản kháng. Họ nói anh chỉ có cái “nhà thuê”, nhà anh ở không phải là nhà của mình! Đúng thôi, nhưng anh chỉ là Việt kiều phất phơ, nay đây mai đó, anh yêu sự tự do không bị ràng buộc. Nếu cần anh sẽ đổi nhà, đổi chỗ ở dễ dàng, không phụ thuộc vào ai.

Nhưng trong tự đáy lòng anh nghĩ, biết đâu vài ba năm nữa, khi mình muốn có nhà riêng, xã hội sẽ không còn trò ăn chênh lệch nhà đất, thị trường mua bán điều hòa, chất lượng xây dựng ổn định, anh sẽ tận mắt coi từng nhà và có thể mua với giá thấp hơn con số 4 tỉ trong túi anh. Và số tiền này ngoan ngoãn cho anh từ nay đến đó một số tiền lời khổng lồ, bao anh đi ăn phở và nghe nhạc, bản thân nó không hề bị suy suyển.

Nhưng tâm anh lại phản kháng. Số tiền đó sẽ giảm giá trị vì lạm phát? Anh bắt đầu nhức đầu vì bài toán kinh tế cỏn con, nhưng anh đã đổi ý, nhất định không ném 4 tỉ vào miếng đất đầy dừa nước và rắn rết.

Anh chặc lưỡi cho xe taxi chạy thẳng đến ngân hàng và sau đó sẽ đi ăn phở.

Theo Doanh nhân Sài Gòn