Việt kiều tạm trú được mua nhà

Cập nhật 20/09/2005 14:00

Sau ba năm thực hiện Nghị định 81, mới chỉ có khoảng 60 trường hợp Việt kiều mua được nhà ở Việt Nam hợp pháp, trong đó phần lớn ở TP.HCM. Trong đó, số Việt kiều mua nhà tại TP.HCM chiếm đến 3/4. Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ số lượng Việt kiều được giải quyết cho mua nhà còn quá ít như vậy là do luật còn hạn chế về đối tượng được mua nhà, trình tự, thủ tục cấp giấy tờ nhà còn phức tạp…

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 cho phù hợp hơn, trình Chính phủ để Chính phủ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Vũ Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý nhà (Cục quản lý nhà, Bộ Xây dựng) cho biết Bộ Xây dựng đang làm tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 81. Quan điểm của Bộ là sẽ không mở rộng đối tượng được mua nhà so với Điều 121 Luật Đất đai năm 2003.

Dự thảo bổ sung quy định về đối tượng được bán nhà ở cho Việt kiều. Theo đó, nếu người bán nhà là cá nhân thì phải có giấy tờ sở hữu nhà hợp pháp; nếu là doanh nghiệp thì phải có chức năng kinh doanh nhà ở hoặc giấy phép đầu tư xây nhà để bán và cho thuê do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 (gọi tắt là dự thảo) chỉ quy định cụ thể hơn về đối tượng “người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam”, điều mà trước đây các văn bản luật không nêu rõ khiến các đối tượng này chưa được giải quyết cho mua nhà trong nước. Ngoài ra, dự thảo còn mở rộng số lượng nhà được mua đối với những đối tượng Việt kiều được ưu đãi khác.

Dự thảo còn bãi bỏ mẫu hợp đồng mua bán nhà ở do Bộ Xây dựng dành riêng cho diện Việt kiều mua nhà. Thay vào đó, việc mua bán nhà giữa Việt kiều và cá nhân, tổ chức trong nước chỉ cần thông qua hợp đồng mua bán nhà có chứng nhận của công chứng hoặc UBND cấp huyện nơi căn nhà tọa lạc. Lý giải về thay đổi này, Bộ Xây dựng cho rằng quy định như vậy nhằm bảo đảm tính thống nhất về việc áp dụng chính sách giữa người trong nước và Việt kiều khi mua nhà ở tại Việt Nam.

Được hợp thức hóa nhà mua “chui”

Dự thảo cho phép những người thuộc diện được mua nhà dự liệu trong dự thảo đã mua nhà từ trước đó nhưng chưa được cấp “giấy đỏ”, “giấy hồng” thì được làm thủ tục xin cấp “giấy đỏ”, “giấy hồng”. Trình tự, thủ tục xin cấp “giấy đỏ”, “giấy hồng” đối với Việt kiều cũng như đối với người dân trong nước.

Diện được mua nhà và sở hữu một căn nhà

Việt kiều có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam, được các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản; người cao tuổi có giấy tờ chứng nhận được hưởng hưu trí hoặc chế độ bảo hiểm xã hội do Chính phủ nước ngoài cấp; Việt kiều được phép về Việt Nam từ 6 tháng trở lên và tạm trú liên tục từ ba tháng trở lên.

Các đối tượng này phải có hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc của nước ngoài. Trường hợp sử dụng hộ chiếu của nước ngoài thì phải kèm theo một trong các giấy tờ sau: chứng nhận có quốc tịch của Việt Nam, xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, chứng nhận đăng ký công dân. Ngoài ra, đương sự phải có giấy tờ chứng minh bản thân thuộc một trong các đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Diện được mua và sở hữu nhiều căn nhà như người trong nước

Việt kiều về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Các đối tượng này phải có các giấy tờ sau: thẻ thường trú hoặc tạm trú hay giấy chứng nhận tạm trú tại Việt Nam từ sáu tháng liên tục trở lên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc của nước ngoài. Trường hợp sử dụng hộ chiếu hợp lệ của nước ngoài thì phải kèm theo một trong các giấy sau: chứng nhận có quốc tịch của Việt Nam, xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, chứng nhận đăng ký công dân.


Theo Tuổi Trẻ