Việt kiều sở hữu nhà tại VN: Rối rắm do... từ ngữ!

Cập nhật 28/05/2009 15:10

Các đại biểu Quốc hội đang tranh luận về vấn đề sở hữu nhà ở trong nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây xin gọi tắt là Việt kiều). Trên thực tế, tại nhiều diễn đàn nhà đất thời gian qua, chúng tôi không ghi nhận được sự lo lắng thái quá nào nếu mở rộng chính sách bán nhà cho Việt kiều như một số đại biểu Quốc hội đang lo ngại.

Trước đây, chỉ riêng việc xác định đối tượng Việt kiều để cho phép sở hữu nhà cũng đã có nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng Luật Nhà ở quy định hạn hẹp đối tượng dẫn đến tình trạng sau tám năm triển khai chủ trương cho Việt kiều mua nhà ở, chỉ có khoảng hơn 140 Việt kiều được mua nhà, chiếm chưa tới 0,2% so với nhu cầu, theo Bộ Xây dựng.

Tại điều 126 Luật Nhà ở, đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở trong nước chỉ được nêu gói gọn trong hai khoản: Khoản 1 bao gồm người về nước đầu tư, người có công với đất nước, người hoạt động văn hóa, khoa học thường xuyên tại Việt Nam, người hồi hương và các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định; Khoản 2 bao gồm các đối tượng khác đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được cấp phép từ sáu tháng trở lên.

Đến lượt Nghị định 90/2006 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, điều 65 nêu định nghĩa người Việt Nam định cư ở nước ngoài là “công dân Việt Nam” hoặc “người gốc Việt Nam” cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi nêu định nghĩa, ở các nội dung sau đó, nghị định này không có sự phân biệt nào giữa “công dân Việt Nam” hay “người gốc Việt Nam” bằng cách chỉ dùng chung một khái niệm theo Luật Nhà ở là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, và đương nhiên người tham khảo luật tự hiểu luật không phân biệt giữa “công dân Việt Nam” và “người gốc Việt Nam”.

Sự phân biệt xuất hiện trong Nghị định 90 đó là giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài “không bị hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu” (khoản 4 điều 65) với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ “được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ” (khoản 5 điều 65).

Theo đó, đối tượng thứ nhất gồm những người được quy định tại khoản 1 điều 126 của Luật Nhà ở và đối tượng thứ hai là những người còn lại, được quy định tại khoản 2 điều 126 Luật Nhà ở.Với cách diễn đạt này của nghị định, Bộ Tư pháp hiểu là chỉ những đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở mới được sở hữu nhà ở tại Việt Nam giống như công dân trong nước.

Trong khi Bộ Xây dựng thì cho rằng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở chỉ áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam, còn những người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì đương nhiên được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ như công dân trong nước, vì Hiến pháp không phân biệt công dân sống trong nước với công dân sống ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc này không được nêu rõ ràng, cụ thể trong luật khiến các địa phương thiếu cơ sở thực hiện, làm hạn chế số lượng nhà bán ra cho Việt kiều.

Do đó, tại Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 trình Chính phủ hồi tháng 3-2008, Bộ Xây dựng đã kiến nghị sửa đổi điều 65 theo hướng phân biệt rõ ba trường hợp: (1) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam, theo Luật Quốc tịch Việt Nam) thì được sở hữu nhà ở như người Việt ở trong nước, tức không hạn chế về số lượng nhà ở; (2) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt (không có quốc tịch Việt Nam nhưng chứng minh được là đã từng có quốc tịch Việt Nam, hoặc có cha mẹ đẻ, ông bà nội, ngoại đang có hoặc từng có quốc tịch Việt Nam, theo Luật Quốc tịch Việt Nam) thuộc nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt ở trong nước; (3) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt không thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở thì chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.

Bản dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung do Bộ Xây dựng soạn thảo cũng đã mất khá nhiều thời gian tham khảo ý kiến đóng góp và nhận được sự đồng tình cao của các bộ ngành liên quan, bao gồm ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ hồi năm ngoái, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong các phiên họp vào trung tuần tháng trước và đang được các đại biểu Quốc hội họp bàn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Thực ra, những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung trong bản dự thảo không phải sự đột phá gì to tát mà chủ yếu chỉ góp phần làm rõ ràng, cụ thể hơn những nội dung của Nghị định 90/2006 với mong muốn cải thiện hiệu quả việc thực thi luật pháp trong thực tế, đồng thời tìm kiếm một sự thống nhất khả dĩ giữa luật và nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Thông tin gần đây nhất được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy có hai đối tượng được mở rộng nhưng theo giới quan sát, các đối tượng này không “quá rộng” như một số người e ngại và cũng không tạo ra sự thay đổi lớn về số lượng Việt kiều được sở hữu nhà ở so với các quy định trước đó.

Bên cạnh đó, chuyện cần bàn về hai đối tượng mới xem ra cũng khá đơn giản.(1) “Người gốc Việt Nam có chuyên môn kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu”. Đối tượng này có điều kiện tương đồng với nhóm đối tượng là “nhà văn hóa, nhà khoa học về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam” để được xếp vào diện ưu đãi, không hạn chế số lượng nhà được sở hữu; (2) “Người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.

Thực ra, nếu gọi đây là diện mở rộng thì chỉ là mở rộng cho những người gốc Việt không có điều kiện chứng minh mình là gốc Việt. Nếu chiếu theo tinh thần của Luật Nhà ở là nhằm tạo điều kiện về chỗ ở cho Việt kiều khi về nước thì đối tượng này nhiều khả năng thuộc nhóm chỉ được sở hữu một căn nhà riêng lẻ hoặc căn hộ.

Xét cả câu chuyện về việc cần điều chỉnh đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở trong nước có vẻ như chỉ là vấn đề giải quyết sự rối rắm của từ ngữ, của sự thiếu rõ ràng trong các văn bản pháp quy vốn là nhược điểm cố hữu của các bộ luật. Nhược điểm này không chỉ tạo ra cách hiểu thiếu thống nhất mà còn gây lãng phí thời gian, công sức của nhiều người bàn thảo, họp hành, chỉnh sửa.

Chứ nếu ngay từ đầu, luật diễn đạt rõ ràng như quan điểm và lập luận của Bộ Xây dựng trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung thì có thể đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà đã không bị giới hạn như thực tế thời gian qua.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, người dân còn hướng sự quan tâm vào hai vấn đề: (1) Mức độ đồng thuận của các đại biểu về “độ mở” đối với quyền sở hữu nhiều nhà ở dành cho Việt kiều và “độ hạn chế” các quyền sử dụng đất của họ như quyền chuyển nhượng, bảo lãnh bằng tài sản, góp vốn, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất... Một số đại biểu nêu quan điểm không cho phép bất kỳ diện Việt kiều nào được mua hai căn nhà, sợ phát sinh tệ nạn đầu cơ, sợ thị trường bất động sản sẽ bị náo loạn.

Tuy nhiên, hãy cứ thử nhìn vào giá nhà đất trong nước và cách tiêu xài của phần lớn kiều bào so với số đông người thu nhập cao ở trong nước, chắc nhiều người cũng đồng tình là nên tìm cách ngăn chặn nạn đầu cơ ở trong nước trước đã! Mặt khác, có ý kiến cho rằng việc hạn chế một số quyền của Việt kiều liên quan đến đất đai là điều không nên, nó thể hiện sự phân biệt không cần thiết. (2) Luật pháp dù có được chỉnh sửa, hoàn thiện đến đâu mà không cải thiện khâu thực thi pháp luật thì cũng bằng không!

Một ví dụ: Dự thảo điều chỉnh luật lần này đã rút ngắn thời gian cư trú được cấp phép của Việt kiều (một điều kiện để được phép sở hữu nhà) từ sáu tháng xuống còn ba tháng.

Theo Nghị định 90, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an được giao phối hợp hướng dẫn cụ thể việc xác minh thời hạn cư trú nhưng đã hơn hai năm, nghe đâu hai bộ này vẫn còn lúng túng việc xác minh theo giấy phép hay theo thực tế, thời hạn cư trú liên tục hay có thể ngắt quãng... Nếu cứ đà này thì dẫu thời hạn là sáu tháng hay ba tháng, ách tắc vẫn hoàn ách tắc!

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG