Việt kiều ở Mỹ hết sức phấn khởi khi nghe tin ngày 10-3, Bộ Xây dựng đã trình lên Thủ tướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2006/NĐ-CP.
Trong nghị định sửa đổi có nêu rõ: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người trong nước.
Nghị định này ra đời năm 2006 theo Điều 126 của Luật Nhà ở, dành cho Việt kiều đầu tư lâu dài ở Việt Nam, người có công với cách mạng, nhà khoa học, các chuyên gia về làm việc tại Việt Nam hoặc người hồi hương.
Tuy nhiên từ đó đến nay, nghị định này hầu như chưa được khai thông trọn vẹn vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể giữa các bộ, ngành có liên quan.
Nghị định 90/2006/NĐ-CP cùng với Luật Quốc tịch sửa đổi sẽ được Bộ Tư pháp đệ trình lên Chính phủ vào tháng 5-2008 sắp tới là hướng đi đúng trong chính sách thu hút kiều bào ở nước ngoài về làm việc, đầu tư làm ăn và sinh sống trong nước. Đó là nguyện vọng chung của không ít người Việt đang định cư ở nước ngoài.
Anh John Tống hiện là kỹ sư của một công ty Mỹ đang có ý định về Việt Nam làm việc. Anh cho biết cảm nghĩ sau khi đọc tin tức trên các trang báo điện tử Việt Nam:
Tôi được thừa kế căn nhà của người dì ở Thủ Đức. Năm vừa qua, tôi tốn thời gian đi, về để làm thủ tục sang tên chủ quyền nhưng lại không được giải quyết vì không thuộc một trong nhóm bốn đối tượng được quyền mua nhà ở tại Việt Nam.
Anh ví von: Luật Nhà ở giống như cánh cửa khép hờ, đưa đầu vào xem thì được nhưng lách mình vào thì khó.
Nếu như sắp tới Luật Quốc tịch thông qua điều khoản, gồm người có miễn thị thực visa, người có quốc tịch Việt Nam hoặc người mang hộ chiếu nước ngoài có đăng ký quốc tịch gốc Việt Nam được Chính phủ thông qua thì Nghị định 90/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho đối tượng này quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã hoàn toàn thông thoáng.
Như vậy, hiển nhiên trường hợp của anh John Tống sẽ được hưởng quyền thừa kế như mọi công dân Việt Nam trong nước.
Ông Thuần Võ cư ngụ tại thành phố Haltom (bang Texas) tâm sự: “Hai, ba hôm nay, bạn bè ở California, Florida gọi điện thoại nói chuyện về vấn đề Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam làm tôi cũng nôn nao. Thật ra, mấy ông bạn già sang đây cặm cụi đi làm, mỗi người ở một nơi, đi thăm nhau cũng mệt. Bây giờ đến tuổi về hưu, có thời gian nhưng lại ngại đi, ngồi máy bay, tàu xe cũng mệt đứ đừ. Về Việt Nam, mỗi ông mua một căn nhà sống gần nhau, ới một tiếng là gặp mặt nhau rồi. Như thế vui hỉ!”.
Bên cạnh nhiều ý nguyện được quyền sở hữu nhà ở Việt Nam, cũng không ít người băn khoăn trong trường hợp mình có thể đứng tên không phải một mà hai, ba căn nhà được không.
Luật pháp nhiều nước, trong đó có Mỹ, cho phép người nước ngoài có khả năng tài chính muốn mua bao nhiêu nhà hay đất đai tùy ý, miễn là thực hiện đúng chính sách thuế. Không ai đi mua hai, ba căn nhà để ở cùng một lúc để phải chịu một khoản thuế địa ốc nặng nề. Còn nếu mua cho thuê hay kinh doanh thì họ có nghĩa vụ phải đóng thuế như người làm ăn kinh doanh hợp pháp.
Chị Sandy Nguyễn ở thành phố Arlington (bang Texas), nêu thắc mắc nếu chị muốn mua một miếng đất ở Việt Nam để sau này về cất nhà thì chị có được đứng tên “sổ đỏ” quyền sử dụng miếng đất đó không. Và luật sửa đổi có nhất thiết quy định người có nhu cầu mua nhà ở phải mua nhà của các công ty kinh doanh địa ốc hay không.
Nói chung còn khá nhiều thắc mắc trong thời gian chờ đợi nghị định sửa đổi về Luật Nhà ở hay Luật Quốc tịch thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù sao các dự luật trên cũng tạo được sự quan tâm và phấn khởi cho bà con Việt kiều tại Mỹ an tâm chuẩn bị cho mình một tương lai về làm việc và sống với quê nhà.