Thông tin về việc Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở để mở rộng đường cho Việt kiều được mua nhà ở tại VN được giới kinh doanh, đầu tư, môi giới mua bán bất động sản (BĐS) TPHCM đón nhận trong niềm vui.
... Nhưng vẫn còn không ít băn khoăn.
Hồ hởi đón nhận
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Đình Quốc - TGĐ Cty đầu tư BĐS An Bình (An Bình Land Investment Corporation) - cho rằng: " Đây là một thay đổi rất thoáng, mang tính đột phá so với các văn bản pháp lý trước đây liên quan đến việc cho người nước ngoài, Việt kiều được phép mua và sở hữu nhà ở tại VN. Đặc biệt là đối với đối tượng Việt kiều vẫn còn giữ được quốc tịch VN và những đối tượng về nước đầu tư trực tiếp, kết hôn với công dân VN, thành phần trí thức... thì dường như quyền được mua và sở hữu nhà ở không khác gì công dân trong nước, không giới hạn số lượng nhà được phép mua".
Cũng theo ông Võ Đình Quốc, chính sách này sẽ là một tín hiệu tốt thúc đẩy phát triển đầu ra cho thị trường BĐS. Trước đây, đã có nhiều chính sách liên quan đến việc cho phép Việt kiều mua nhà, nhưng do đối tượng quá hạn hẹp nên đã không tạo ra được tác động nào đối với thị trường BĐS trong nước. Bằng chứng chính là cho đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có vỏn vẹn xấp xỉ 100 Việt kiều được danh chính ngôn thuận đứng tên trên tài sản của họ ở VN.
Đại diện một Cty chuyên phát triển các dự án nhà ở từ trung đến cao cấp tại TPHCM thì cho rằng, còn quá sớm để đánh giá tác động của chính sách này lên thị trường BĐS trong thời gian tới, nhưng có thể thẳng định thông qua chính sách này cho thấy đã có một cách suy nghĩ khác về vấn đề nhà ở cho Việt kiều tại VN.
Một số chuyên gia khác dự báo, nếu chính sách này được thông qua sẽ có một làn sóng chuyển đổi sở hữu nhà từ người trong nước sang Việt kiều. Bởi thực tế, những chính sách nhà ở cho Việt kiều tại VN trong thời gian qua tương đối chặt chẽ, nhưng phần lớn Việt kiều có nhu cầu họ đã mua nhà từ lâu, dưới danh nghĩa của người thân trong nước.
Lo thì vẫn lo
Ngược lại tâm trạng hồ hởi đón nhận, có nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra khá thận trọng trước các thông tin về chính sách thông thoáng về chính sách cho phép Việt kiều mua nhà tại VN. Ông Lâm Văn Chúc - Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư BĐS Phúc Đức - thì cho rằng: "Đây là một chính sách rất thoáng, bản thân tôi cảm thấy rất mừng, nhưng nếu cho rằng chính sách này sẽ có tác động lớn đến thị trường BĐS thì hơi vội".
Từ thực tế của một người kinh doanh, môi giới kinh doanh BĐS, ông Lâm Văn Chúc cho rằng: "Theo tôi, người trong nước (nội lực) mới là quan trọng có tác động đến thị trường BĐS. Bởi hiện tại, đối tượng Việt kiều chỉ chiếm khoảng một phần ngàn trong tổng doanh số của Cty Phúc Đức. Khi có thông tin về chủ trương thí điểm cho phép người nước ngoài được mua nhà tại VN chỉ thấy người Hàn Quốc và Singapore là quan tâm. Còn đối với đối tượng Việt kiều, chỉ thấy người ta đến thăm dò, nhưng khi biết là chỉ được phép mua chứ không được bán nên không mấy người mặn mà".
Phó TGĐ một Cty khác thì cho rằng, kinh tế Mỹ (quốc gia có số lượng Việt kiều sinh sống đông nhất) đang suy thoái trong khi nền kinh tế VN mặc dù hiện tại đang gặp khó khăn, nhưng xét về tổng thể trung và dài hạn triển vọng phát triển kinh tế của VN là rất khả quan. Vì vậy, sẽ có một sự chuyển dịch tài chính từ Mỹ về VN để đầu tư vào thị trường BĐS.
Bước đầu chính sách mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà sẽ giúp cho giá nhà đất trên thị trường đứng vững trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ có một số khu vực phát triển cục bộ do nguồn hàng hóa phù hợp với yêu cầu của đối tượng Việt kiều.
Còn ông Phùng Văn Năng - Tổng giám đốc Sàn giao dịch BĐS Nam Việt - thì cho rằng: " Chính sách mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà sẽ giúp thị trường tăng trưởng thêm vài phần trăm".
Một số chuyên gia khác thì tỏ ra nghi ngờ khả năng thị trường BĐS sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, bởi trên thực tế không cần phải chờ đến sự cho phép, Việt kiều cũng đã mua nhà tại VN dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi chính sách chính thức được thực thi, cũng khó có khả năng tạo ra một sự đột phá cho thị trường BĐS.
Việt kiều được sở hữu nhà tại VN như công dân VN
Người VN định cư tại nước ngoài (Việt kiều) dù có hay không có quốc tịch VN, nhưng thuộc các đối tượng: Về đầu tư trực tiếp tại VN theo pháp luật đầu tư; đã kết hôn với công dân VN ở trong nước, người có công với đất nước, người có trình độ từ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực KT- XH... thì có quyền sở hữu nhà ở tại VN như công dân VN, ở trong nước (có quyền sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng). Đây là điểm mới nhằm mở rộng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại VN, vừa được Bộ Xây dựng có tờ trình Chính phủ ngày 10.11.
Theo Lao Động