Nghị quyết (NQ) về giao dịch nhà ở xác lập trước ngày 1-7-1991 có liên quan đến Việt kiều (VK) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1-9-2006.
Ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã bộc bạch với Thanh Niên: "Không nên nghĩ rằng việc ổn định chỗ ở cho VK khi về nước đầu tư, làm ăn là chỉ có lợi riêng cho họ, mà phải thấy rằng sẽ có lợi chung cho đất nước".
* Luật Nhà ở quy định cho phép VK về nước cư trú 6 tháng trở lên có thể mua nhà trong nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghị định (NĐ) hướng dẫn thực hiện luật. Ông có thể cho biết, nếu vận dụng quy định này vào thực tế, VK có gặp khó khăn gì?
- Tôi thấy những VK hồi hương, về hưu hoặc về nước làm ăn lâu dài mới cư trú 6 tháng trở lên. Mà những người thuộc diện này thì NĐ 81 đã cho phép rồi. Còn một bộ phận không nhỏ VK thường xuyên đi về làm ăn hoặc có dự định đầu tư về nước thì ít khi cư trú trong nước đến quá 6 tháng, nhưng một năm họ có thể về nước nhiều lần. Nếu quy định như vậy thì coi như họ không có cơ hội sở hữu nhà trong nước.
Bản thân tôi cũng thấy rất khó khi triển khai thực hiện quy định trong Luật Nhà ở. Các văn bản hướng dẫn dưới luật tuy chưa ban hành nhưng theo tôi, cũng sẽ gặp khó khăn vì sự chưa rõ ràng này. Chúng tôi đã tập hợp nhiều ý kiến của VK, họ cho rằng không nên giới hạn về thời gian cư trú. Nếu trường hợp nào đủ điều kiện thì có thể cho mua nhà trong nước.
* Nguyện vọng của bà con VK về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Bà con VK cũng rất tha thiết với việc có một căn nhà để có thể làm nơi hội tụ gia đình. Riêng tôi cũng suy nghĩ, nếu VK có nhà trong nước, đó sẽ là địa chỉ để các thế hệ trẻ tìm về, qua đó họ sẽ có cái nhìn đúng đắn nhất về quê hương xứ sở. Vấn đề thu hút trí thức trẻ VK quay về cống hiến cho đất nước cũng sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.
* Ông có nhận định gì về những quy định trong NQ về giao dịch nhà ở trước 1.7.1991 có liên quan đến VK vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua?
- NQ này sẽ là một khởi đầu tốt cho việc giải quyết những vướng mắc của VK về nhà thừa kế, lấy lại nhà cho thuê, cho mượn... mà lâu nay chưa tháo gỡ được. Từ NQ này, một bộ phận bà con VK sẽ hiểu rõ hơn về chính sách đúng đắn của Nhà nước ta. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế vẫn còn phải có những quy định cụ thể hơn nữa.
Khi đã sở hữu nhà ở, VK cũng phải được thực hiện các quyền như người trong nước như mua bán, cho thuê, tặng cho... đúng theo luật định. Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp soạn thảo quy định cho phép VK sở hữu nhà trong nước được phép cho thuê (theo quy định của Luật Nhà ở, trong thời gian chờ NĐ hướng dẫn Luật Nhà ở ban hành).
Dự kiến, quy định này sẽ được đưa ra áp dụng trong tháng 8/2006. Nhà nước cần sớm cụ thể hóa những chính sách mà NQ đã ghi rõ, đồng thời nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương và hệ thống chính sách, nhất là trong lĩnh vực nhà ở cho VK.
Làm được điều này, tôi tin sẽ có hàng trăm ngàn VK (trong số 3 triệu kiều bào VN ở nước ngoài) về mua nhà, tạo ra nguồn lực lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội cũng như thu hút nhân tài.
Một số nội dung đáng chú ý trong NQ về giao dịch nhà ở xác lập trước ngày 1-7-1991 (có hiệu lực từ 1-9-2006):
Đối với những hợp đồng thuê nhà đã hết hạn trước ngày NQ có hiệu lực: Nếu bên cho thuê là VK, bên thuê là người trong nước không thể ký tiếp hợp đồng thì bên cho thuê được lấy lại nhà khi bên thuê đã có chỗ ở khác (bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản về việc lấy lại nhà ít nhất 6 tháng). Đối với nhà cho mượn, cho ở nhờ cũng áp dụng tương tự.
Đối với những hợp đồng thuê nhà vẫn còn hiệu lực: bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ ngày hết thời hạn thuê nhưng phải thông báo trước cho bên thuê ít nhất 6 tháng. Áp dụng tương tự đối với nhà cho mượn, cho ở nhờ.
Đối với những hợp đồng không xác định thời hạn: Bên cho thuê được lấy lại nhà ở sau khi đã thông báo trước cho bên thuê ít nhất 24 tháng. Tuy nhiên, đối với nhà cho mượn, cho ở nhờ, thời hạn này là 6 tháng.
Đối với nhà thừa kế: Nếu thừa kế mở trước 1-7-1991 mà VK có quốc tịch VN, hoặc đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch VN, hoặc đã thôi quốc tịch VN nhưng chưa nhập quốc tịch nước ngoài thì được xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với phần thừa kế của mình. Trường hợp VK đã nhập quốc tịch nước ngoài và đã thôi quốc tịch VN, hoặc người gốc VN nhưng chưa từng có quốc tịch VN thì chỉ được hưởng giá trị phần thừa kế đó.
NQ chỉ áp dụng để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1-7-1991 có VK tham gia.
Theo Thanh Niên