Toàn văn NQ về giao dịch dân sự về nhà ở (phần 3)

Cập nhật 15/08/2006 15:00

Chương III: Mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở

Điều 8. Hợp đồng mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở

Các trường hợp sau đây được coi là hợp đồng mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở:

1. Có hợp đồng bằng văn bản được các bên cùng ký;

2. Người đang ở tại nhà ở đó không chứng minh được việc họ ở tại nhà ở đó là theo quan hệ mua bán, thuê, đổi, tặng cho, thừa kế nhà ở, ủy quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân;

3. Chủ sở hữu nhà ở, người thừa kế nhà ở hoặc người được chủ sở hữu nhà ở ủy quyền chứng minh được họ cho mượn, cho ở nhờ nhà ở đó.

Điều 9. Bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bên mượn, bên ở nhờ nhà ở thường trú tại Việt Nam

1. Trường hợp thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở được lấy lại nhà ở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ nhà ở biết trước ít nhất sáu tháng.

2. Trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở theo hợp đồng vẫn còn thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở được lấy lại nhà ở kể từ ngày hết thời hạn cho mượn, cho ở nhờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ nhà ở biết trước ít nhất sáu tháng.

3. Trường hợp thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở không được xác định trong hợp đồng thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở được lấy lại nhà ở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ nhà ở biết trước ít nhất sáu tháng; trong trường hợp bên mượn, bên ở nhờ nhà ở không có chỗ ở khác hoặc không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác thì các bên thỏa thuận việc tiếp tục cho mượn, cho ở nhờ nhà ở.

Nếu thỏa thuận được thì các bên phải ký kết hợp đồng mượn nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005; nếu không thỏa thuận được thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ nhà ở biết trước ít nhất hai mươi bốn tháng.

Điều 10. Bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở thường trú tại Việt Nam, bên mượn, bên ở nhờ nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Trường hợp bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở thường trú tại Việt Nam, bên mượn, bên ở nhờ nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng nhà ở đó đang do người khác thường trú tại Việt Nam sử dụng thì hợp đồng mượn, ở nhờ nhà ở giữa bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở và bên mượn, bên ở nhờ nhà ở chấm dứt; bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở và người đang sử dụng nhà ở có thể thỏa thuận việc tiếp tục cho mượn nhà ở, cho ở nhờ nhà ở; nếu thỏa thuận được thì các bên phải ký kết hợp đồng mượn nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.
 
Nếu không thỏa thuận được thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ nhà ở biết trước ít nhất mười hai tháng.

Điều 11. Bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở và bên mượn, bên ở nhờ nhà ở đều là người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Trường hợp bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở và bên mượn, bên ở nhờ nhà ở đều định cư ở nước ngoài nhưng nhà ở đó đang do người khác thường trú tại Việt Nam sử dụng thì hợp đồng giữa bên cho mượn, bên chở nhờ nhà ở và bên mượn, bên ở nhờ nhà ở chấm dứt. Quan hệ hợp đồng giữa chủ sở hữu là bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở và người đang sử dụng nhà ở đó được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết này.

>> Toàn văn NQ về giao dịch dân sự về nhà ở (phần 1)

>> Toàn văn NQ về giao dịch dân sự về nhà ở (phần 2)