Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (17.4) về Đề án người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Bộ Xây dựng tiếp tục bảo lưu quan điểm "chỉ cho người nước ngoài được mua và ở nhà cao tầng, không cho phép mua nhà ở thấp tầng". Trong các phiên họp trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đã yêu cầu ban soạn thảo phải nêu rõ lý do tại sao không cho người nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ hoặc nhà biệt thự.
"Hiện nay chính sách pháp luật về đất đai của Nhà nước Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài có quyền sử dụng đất như người trong nước" - Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân lý giải. Ngoài ra, theo ông Quân, sẽ rất phức tạp nếu cho phép người nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với quyền sử dụng đất vì thực tế có nhiều trường hợp diện tích nhà nhỏ nhưng diện tích đất lại rất lớn (hàng nghìn m2) hoặc sẽ xuất hiện tình trạng gom đất của các nhà ở xung quanh để tạo thành khu biệt lập lớn thì sẽ rất khó khăn cho việc quản lý và liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia. "Kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cũng chỉ cho người nước ngoài được mua nhà ở cao tầng, không cho phép họ mua nhà ở thấp tầng" - ông Quân giải thích thêm.
Cũng trong báo cáo này, Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các phiên họp trước, dự thảo đã được chỉnh sửa theo hướng cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mua nhà ở tại Việt Nam được quyền bán nhà ở khi gặp khó khăn do phải thu hẹp sản xuất hoặc giảm bớt nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên quy định thời hạn sở hữu nhà của người nước ngoài (70 năm) và được phép gia hạn thêm 1 lần với thời hạn tối đa là 70 năm (tổng thời gian sở hữu nhà ở của người nước ngoài là 140 năm) thì vẫn được giữ nguyên.
Theo thông tin riêng Thanh Niên, đa số các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sẽ trình ra Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam ở kỳ họp thứ 3 (dự kiến khai mạc ngày 6.5 tới đây).