Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - trước lo ngại Dự thảo Luật Nhà ở quy định người nước ngoài (NNN) muốn mua nhà phải sinh sống, học tập tại Việt Nam. Xem ra câu chuyện “mở toang” hay chỉ “mở he hé” cho (NNN) mua nhà tại Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, dự thảo luật sửa đổi với quy định mới này hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo dự luật Nhà ở sửa đổi, người nước ngoài chỉ được mua phân khúc BĐS cao cấp.
|
Sẽ mua nhà... ở nước láng giềng!
Trước quy định siết quá chặt người nước ngoài mua nhà khi phải sinh sống học tập tại Việt Nam đã dấy lên lo ngại sẽ đẩy người nước ngoài sang các nước láng giềng mua nhà. Theo đại diện một DN đã sở hữu nhà ở Singapore thì đất nước này diện tích nhỏ, đất đai ít nhưng họ cũng không có quy định nào ràng buộc, cấm đoán người nước ngoài mua nhà. “Chỉ cần có tiền, đóng thuế đầy đủ là mua được, chứ không phải vượt qua hết quy định này đến quy định khác như nước mình” - vị doanh nhân này nói.
Còn theo ông Châu, quy định chỉ các cá nhân nước ngoài “phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam” mới được mua nhà đã làm hạn chế, thậm chí làm mất tác dụng chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. “Nếu quy định theo dự thảo luật hiện nay thì chẳng khác nào quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian 6 tháng, 12 tháng như trước đây” - ông Châu nói.
Trao đổi sâu về lo ngại nếu “siết” quá chặt thì người nước ngoài sẽ sang các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Thái Lan để mua nhà, ông Châu cho rằng, với xu hướng kinh doanh đa quốc gia, nhu cầu đi lại thường xuyên và sở hữu nhà của các doanh nhân trong khu vực khá đa dạng. “Tuy nhiên, nếu không mua được ở Việt Nam thì họ sẽ chuyển sang các nước láng giềng mua thôi. Đó là quy luật” - ông Châu khẳng định.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng, việc tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà không chỉ giải quyết hàng tồn BĐS ở phân khúc cao cấp, mà còn thúc đẩy cả một phần các ngành nghề khác phát triển. “Khi sở hữu ngôi nhà, là tài sản lớn thì thọ chăm chút nhiều hơn. Đồ nội thất sẽ bán được nhiều hơn. Ngoài ra tạo ra lượng lớn việc làm cho người giúp việc trong các gia đình người nước ngoài”.
“Về thiệt hại kinh tế, khi quy định quá chặt điều kiện người nước ngoài mua nhà là không thể tính hết được” - ông Châu nói.
Dấy lên nhiều quan ngại
Ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Cty Địa ốc Đất Lành - cho rằng, trên thực tế câu chuyện này không phải phức tạp và đáng lẽ phải làm từ lâu, nhưng đến hôm nay vẫn chưa cho thấy lối ra chỉ vì “rừng” quy định khá ngặt nghèo và có những quy định khá vô lý. Trong khi chúng ta trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng tại sao lại quá khắt khe trong việc bán nhà cho người nước ngoài, khi mà điều này sẽ mang lại nhiều cái lợi cho ta.
Đứng ở quan điểm nhà đầu tư, giám đốc một quỹ đầu tư ngoại cũng bày tỏ quan ngại, để quản lý, không nên cấm nước ngoài mua nhà, mà nên giới hạn về thời hạn sở hữu (50 năm chẳng hạn) và tỉ lệ sở hữu. Chẳng hạn, trong một dự án khu đô thị hay chung cư, tỉ lệ người nước ngoài được phép sở hữu có thể ở mức từ 20 - 30%, như vậy, khách Việt vẫn là đối tượng chủ yếu tại các dự án. Còn để chống đầu cơ thì pháp luật phải quy định các khoản thuế mà người nước ngoài phải đóng nếu mua nhà tại Việt Nam. Điều này cũng được áp dụng tương tự như Mỹ, Pháp và một số nước khác. Thuế sở hữu nhà không nhỏ. Do vậy, nếu mua nhà mà không kinh doanh được thì rủi ro cao, nên người nước ngoài sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua nhà. Hơn nữa, về phía Nhà nước cũng sẽ có một khoản thu lớn hằng năm từ phần thuế từ người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Có thể thấy, những quy định trên ra đời với mong muốn chủ trương cho người nước ngoài mua nhà không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước. Tuy nhiên, cũng phải nên nghĩ rằng với nhiều quy định như thế, liệu có bao nhiêu người nước ngoài sẽ bỏ tiền để mua nhà tại Việt Nam chỉ với mục đích để ở? Chỉ biết rằng trong 5 năm qua, dù luật đã cho phép người nước ngoài mua nhà, song vẫn không cho phép họ kinh doanh hợp pháp, không cho phép cho thuê nên chỉ có chưa quá 200 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Mặt khác, tiếng là mở với nhà đầu tư nước ngoài, song quy định của dự luật nhà ở là “chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ”. Tuy nhiên, thực tế chẳng áp dụng được điều kiện này trong các giao dịch, vì các dự án nhà ở thương mại đều theo giá thị trường, không có sự can thiệp về giá của Chính phủ hay UBND các địa phương, vậy đâu có cần thiết ghi thêm điều khoản có tính phân biệt đối xử như thế?
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động