Sẽ “nới” thêm đối tượng được mua nhà

Cập nhật 17/04/2008 13:00

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân - Trưởng ban soạn thảo vừa có công văn số 23/BC-BXD ngày 16/4/2008, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Trước đó, ngày 7/4/2008 Chính phủ đã có Tờ trình số 33/TTr-CP trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ngày 10/4/2008, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức họp để nghe và cho ý kiến thẩm tra về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội mà Chính phủ đã trình.

Hầu hết các đại biểu dự họp đều nhất trí cho rằng việc Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là hết sức cần thiết, vì chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản và các ngành dịch vụ liên quan phát triển, góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, chính sách này cũng phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, về ý kiến góp ý của các đại biểu dự họp, Ban soạn thảo tiếp tục giải trình để làm rõ thêm một số nội dung.

“Nới” thêm đối tượng được mua nhà

Theo Ban soạn thảo, về đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều nhất trí quy định 7 đối tượng nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể tên gọi những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam bao gồm những ai (Đại sứ, Đại biện lâm thời…), hoặc quy định đối tượng người nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam phải là những người vào đầu tư trực tiếp theo pháp luật đầu tư, đồng thời bổ sung thêm đối tượng người nước ngoài được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp đó như Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh…

Về vấn đề này, Ban soạn thảo cho rằng, ý kiến góp ý của các đại điểu là phù hợp nên đã chỉnh sửa lại trong dự thảo Nghị quyết. Riêng đối tượng là người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các Tổ chức quốc tế liên Chính phủ hoặc tổ chức của Liên hiệp quốc đang thường trú tại Việt Nam, do khi họ còn giữ chức vụ đã được Chính phủ các nước hoặc Liên Hiệp quốc bố trí nhà ở thông qua hình thức cung cấp kinh phí để họ thuê nhà ở hoặc bố trí ở tại trụ sở làm việc của các tổ chức đó nên những đối tượng này không có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những trường hợp sau khi hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam nhưng họ vẫn mong muốn được sinh sống lâu dài tại Việt Nam, Nhà nước cũng nên cho phép họ được mua nhà ở tại Việt Nam, coi đây là những người có công đóng góp cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước hoặc có công giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị gộp đối tượng này vào cùng nhóm với đối tượng người có công đóng góp đất nước và nên cho phép họ được mua nhà ở tại Việt Nam khi vẫn sinh sống tại Việt Nam nhưng không còn đảm nhận chức vụ đứng đầu các cơ quan, tổ chức quốc tế (khi đã về hưu).

Có ý kiến đề nghị nên xem lại đối tượng chuyên gia nước ngoài có bằng đại học trở lên, vì quy định này vừa hẹp lại vừa rộng. Thực tế có trường hợp không có bằng đại học nhưng lại rất giỏi về chuyên môn vào giúp Việt Nam như các nghệ nhân, những người có tay nghề cao...

Cũng có ý kiến đề nghị nên bổ sung đối tượng người nước ngoài có công đóng góp đất nước nhưng vì lý do nào đó mà họ không muốn nhận phần thưởng Huân chương, Huy chương do Chủ tịch nước tặng hoặc bổ sung thêm đối tượng là các kiều dân nước ngoài đã vào Việt Nam sinh sống từ lâu, thậm chí đã qua nhiều đời sống ở Việt Nam như Hoa kiều, Ấn kiều… nhưng đến nay họ vẫn chưa nhập quốc tịch Việt Nam và chưa được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như công dân ở trong nước.

Về vấn đề này, Ban soạn thảo đánh giá, ý kiến góp ý của một số đại biểu là hợp lý, Nhà nước cũng nên có chính sách về nhà ở đối với những trường hợp này. Vì vậy, Ban soạn thảo thống nhất không nên quy định cụ thể đối tượng chuyên gia có bằng đại học trở lên mà tuỳ từng lĩnh vực công tác, họ sẽ được mua nhà ở như thuộc đối tượng là người vào đầu tư, người được các doanh nghiệp thuê hoặc người có công đóng góp đất nước...

Về đối tượng là các kiều dân nước ngoài, Ban soạn thảo đề nghị tách thành một đối tượng độc lập nêu tại Điều 1 của dự thảo và quy định cụ thể điều kiện là họ chỉ được mua và sở hữu nhà ở khi được cơ quan có thẩm quyền nơi cư trú xác nhận là đã sinh sống liên tục tại Việt Nam từ 5 năm trở lên.

Người nước ngoài không được mua nhà ở riêng lẻ, biệt thự

Vừa qua đã có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần nêu rõ lý do tại sao lại không cho phép người nước ngoài được mua nhà ở riêng lẻ hoặc nhà biệt thự. Về vấn đề này, Ban soạn thảo giải trình: hiện nay chính sách pháp luật về đất đai của Nhà nước Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài có quyền sử dụng đất như người trong nước.

Mặt khác, sẽ rất phức tạp nếu cho phép họ được mua nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất, vì thực tế có nhiều trường hợp diện tích nhà nhỏ nhưng diện tích đất lại rất lớn (hàng nghìn mét vuông) hoặc sẽ xuất hiện tình trạng gom đất của các nhà ở xung quanh để tạo thành khu biệt lập lớn, sẽ rất khó khăn cho việc quản lý và liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Hơn nữa, kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cũng chỉ cho người nước ngoài được mua nhà ở cao tầng, không cho phép họ được mua nhà ở thấp tầng. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị bước đầu chỉ nên quy định cho phép người nước ngoài được mua căn hộ trong nhà chung cư để các cơ quan chức năng dễ dàng trong việc quản lý và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp GCN quyền sở hữu nhà ở

Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, vừa qua, các ý kiến đều nhất trí với quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà. Tuy nhiên, không nên quy định UBND cấp tỉnh có thể uỷ quyền cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh được cấp Giấy chứng nhận. Cũng có ý kiến đề nghị nên quy định việc cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (các Sở Xây dựng).

Theo Ban soạn thảo, pháp luật nhà ở hiện hành đã quy định cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là UBND (cơ quan có dấu quốc huy), không phải là cơ quan chuyên môn như các Sở Xây dựng. Cơ quan chuyên môn chỉ được giao làm đầu mối thụ lý, kiểm tra hồ sơ và trình ký Giấy chứng nhận. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như nêu trong dự thảo.

Người nước ngoài được sở hữu nhà ở VN tối đa 140 năm

Theo tập hợp của Ban soạn thảo, có ý kiến đề nghị nên cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mua nhà ở tại Việt Nam được quyền bán nhà ở khi gặp khó khăn do phải thu hẹp sản xuất hoặc giảm bớt nhu cầu về nhà ở. Cũng có ý kiến đề nghị nên mở rộng diện đối tượng được hưởng thừa kế nhà ở không chỉ là những người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà cả những đối tượng khác. Ban soạn thảo cho rằng, ý kiến nêu trên là hợp lý nên đã tiếp thu và chỉnh sửa lại dự thảo.

Cũng có ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể thời hạn được sở hữu nhà ở gia hạn thêm là bao nhiêu năm? Cũng có ý kiến cho rằng nên quy định thời hạn được sở hữu nhà ở theo niên hạn của nhà ở đã mua. Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định về số năm được gia hạn thêm trong dự thảo là hợp lý. Trên cơ sở pháp luật về đất đai và nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, Ban soạn thảo đề nghị trong dự thảo chỉ nên quy định được gia hạn thêm 1 lần với thời hạn tối đa là 70 năm (như vậy, tổng thời gian được sở hữu nhà ở của người nước ngoài là 140 năm).

Riêng ý kiến đề nghị nên quy định thời hạn được sở hữu nhà ở bằng với niên hạn của nhà ở, Ban soạn thảo cho rằng, quy định như vậy là không thống nhất trong cả nước và dễ dẫn đến tuỳ tiện trong áp dụng, vi phạm quyền lợi của chủ sở hữu. Mặt khác, quy định này sẽ không phù hợp với Luật đất đai và Luật Nhà ở. Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị không nên quy định như ý kiến đã nêu.

Theo Hà Nội Mới