Quá nửa lượng kiều hối đổ vào bất động sản

Cập nhật 17/01/2012 10:15

Tình trạng thiếu vốn trầm trọng đã khiến thị trường bất động sản năm 2011 thực sự khốn đốn ngay cả luồng tiền hỗ trợ từ bên ngoài cũng không đủ để chuyển biến thị trường.

Nợ xấu bất động sản 8.000 tỷ đồng

Theo báo cáo thị trường bất động sản năm 2011 của Bộ Xây dựng, tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 203.598 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm khoảng 4,14%, tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng.

Tổng dư nợ cho vay bất động sản là 203.598 tỷ đồng giảm 13,46% so với 31/12/2010 (trong khi đó tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống khoảng 12%), chiếm khoảng 9,25% tổng dư nợ của toàn hệ thống, cụ thể: trong tổng dư nợ cho vay bất động sản thì vay ngắn hạn là 40.890 tỷ đồng chiếm 20,08%, vay trung và dài hạn là 162.708 tỷ đồng chiếm 79,92%. Dư nợ có đảm bảo bằng tài sản chiếm khoảng 97%, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm 3%. Nợ xấu khoảng 4,14%, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản giảm số tuyệt đối so với cuối năm 2010 (giảm hơn 31.000 tỷ đồng).

Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản có sự tăng, giảm bất thường; tín dụng cho vay đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê (đầu cung) tăng cao tới 76,60%, trong khi cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở (đầu cầu) lại giảm nhiều tới 26,97%).

Vốn FDI dành cho bất động sản thấp kỷ lục


Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực BĐS trong 11 tháng đầu năm chỉ đạt con số 464 triệu USD, xếp thứ tư về thu hút FDI. Đây là con số thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ lớn đang gặp khó khăn về tài chính vì vậy không thể tiếp tục mở rộng đầu tư mà chỉ tập trung hoàn thành các dự án đã triển khai. Bên cạnh đó, thị trường BĐS Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề như không có tính thanh khoản, giá giảm mạnh vì vậy không tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, năm 2008, vốn FDI đổ vào BĐS đạt 23 tỷ USD, năm 2009 vốn FDI đạt 21,48 tỷ USD. Năm 2010 mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng FDI dành cho BĐS đạt 6,8 tỷ USD.

52% kiều hối đổ vào bất động sản

Năm nay, nguồn kiều hối của kiều bào gửi về VN đạt trên 9 tỷ USD, tăng gần 1,5 tỷ USD so với 2010. Trong khi đó, theo thống kê của Uỷ ban giám sát tài chính QG cho thấy, có tới 52% nguồn kiều hối đổ vào bất động sản tương đương khoảng 5 tỷ USD.

Đây được xem là khoản tiền khá lớn trợ giúp cho thị trường bất động sản lúc này. Và đây cũng là minh chứng cho việc kiều bào đã nhìn thấy cơ hội đầu tư khi nhiều dự án bất động sản Việt Nam đã giảm về mức giá hấp dẫn.

Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố cuối tháng 11 vừa qua cũng cho thấy, với khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sông, học tập và lao động tại 101 quốc gia, trong đó khoảng 400.000 là lao động xuất khẩu, Việt Nam đã lọt vào top 10 các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Với những thống kê tích cực nói trên, giới đầu tư bất động sản đang sống trong những khoảnh khắc phấp phỏng đợi chờ một dòng vốn mới, tiếp thêm sinh khí cho các dự án gần như đang ngắc ngoải vì đói vốn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia