Nhà ở cho người nước ngoài, vẫn còn “những nút thắt” chính sách

Cập nhật 23/09/2015 13:40

Không phải là “chiếc gậy thần” cho thị trường bất động sản, song chính sách mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ tạo nhiều đột phá cho thị trường bất động sản. Nhưng sau gần 3 tháng kể từ ngày chính thức có hiệu lực, chính sách này vẫn chưa phát huy tác dụng do nhiều nút thắt chưa được mở.

Còn những nút thắt khiến Việt kiều chưa mặn mà mua nhà tại Việt Nam

Nhu cầu tiềm năng lớn

Mới đây, tại TP. HCM, một hội thảo với chủ đề “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà” được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia và DN. Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mở cửa cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà có thể được xem là chính sách đột phát, có thể thu hút được nguồn vốn lớn đầy tiềm năng của người nước ngoài và Việt kiều vào thị trường địa ốc.

Theo thống kê của các đại sứ quán nước ngoài tại TP. HCM, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật, 120.000 người Đức và trên 6.000 người Philippines đang đang sinh sống. Tính chung cả nước, có khoảng 500.000 người nước ngoài, trong đó có khoảng 30.000 CEO đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện có gần 4,5 triệu người Việt Nam đang làm việc và sinh sống ở 109 quốc gia. Những năm gần đây, chỉ thống kê từ cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm có đến gần một triệu lượt kiều bào về nước, trong đó có rất nhiều người muốn mua nhà tại Việt Nam.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phân tích, trong 4,5 triệu kiều bào, có khoảng 500.000 người đang có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam để sống những năm tháng tuổi già. Điều đáng lưu tâm hơn nữa là tổng thu nhập của Việt kiều lên tới khoảng 100 tỷ USD và đây là tiềm năng lớn.

Còn theo ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược tại Canada, từ 8 - 10 năm trước, nhu cầu mua nhà ở hay đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam đã rất cao. Hiện có hai đối tượng có nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam. Thứ nhất là các công ty muốn đầu tư bất động sản ở Việt Nam dạng mua sỉ cả cao ốc văn phòng hoặc cả một dự án… Đối tượng thứ hai là khách hàng lẻ, trong đó có Việt kiều, người nước ngoài muốn định cư tại Việt Nam. Nhu cầu này là có thật, nhưng khi tiếp cận thực tế thì chưa thực hiện được.

Đâu là những nút thắt?

Theo đại diện nhiều DN địa ốc tại TP. HCM, nhằm đón đầu chính sách mở cửa cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, các DN đã và đang chuẩn bị tung ra nhiều dự án. Và dù có khá nhiều người nước ngoài và Việt kiều quan tâm, nhưng do còn vướng các nút thắt nên giao dịch thực tế chưa nhiều.

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, Công ty đã khởi động dự án cao ốc Hưng Phát 2 (Hưng Phát Silver Star) tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (giáp ranh quận 7 - Phú Mỹ Hưng). Dự án có quy mô 8.956 m2, gồm 3 block với tổng số 447 căn hộ cùng khu trung tâm thương mại 3 tầng và diện tích cảnh quan cây xanh.

Từ  nay đến năm 2018, Công ty sẽ triển khai 4 dự án tại Nam Sài Gòn, với khoảng 4.000 căn hộ cao cấp, tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Những căn hộ này hướng đến đối tượng khách hàng trung cao cấp, người nước ngoài và Việt kiều. Một số DN khác như Novaland, Sacomreal, Hưng Thịnh, Đất Xanh cũng cho biết, một số dự án hiện có khoảng 5 - 10% người nước ngoài và Việt kiều tham gia đặt chỗ, nhưng vẫn còn phải chờ hướng dẫn mới chính thức giao dịch được.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Công ty Savills cho rằng, tác động tích cực từ chính sách có thể thấy được thời gian gần đây là nguồn vốn ngoại đang tiếp tục đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Khương, nguồn vốn này chủ yếu từ các DN nước ngoài rót vào thị trường thông qua hình thức mua cổ phần tại các DN bất động sản nội địa. Còn nguồn vốn của người nước ngoài và Việt kiều mua bất động sản riêng lẻ vẫn có nhiều.

“Đến thời điểm này, chúng ta chưa thấy có người nước ngoài nào cầm trong tay “sổ hồng” nhà tại Việt Nam. Điều này anh hưởng rất lớn đến tâm lý của đối tượng này. Thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, hiện rất nhiều nước ngoài và Việt kiều quan tâm tìm hiểu chính sách mua nhà. Nhưng đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn mà vẫn phải nghe ngóng, thăm dò”, ông Khương nói và nhấn mạnh, nếu những nút thắt được tháo gỡ, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn lớn từ người nước ngoài và Việt kiều.

Theo ông Trần Hòa Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM, có 5 nút thắt liên quan đến chính sách mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Đó là sự chậm trễ ban hành, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Đã gần 3 tháng kể từ khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, nhưng thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa; quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án bất động sản là kiều bào vẫn chưa có; cơ sở dữ liệu thiếu và yếu; phương thức thanh toán cứng nhắc (chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở).

Để thu hút nguồn vốn từ người nước ngoài và Việt kiều, ngoài việc mở nút thắt về chính sách, theo các chuyên gia, bản thân các DN bất động sản phải nhìn nhận lại việc phát triển các dự án của chính mình. Muốn tiếp cận được khách hàng là người nước ngoài, Việt kiều, DN cần thay đổi rất nhiều điều, từ mô hình kinh doanh, chiến lược bán hàng đến cách tiếp cận khách hàng…


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản