Người nước ngoài được sở hữu nhà tối đa 70 năm. Hiện có 25.000 người nước ngoài đầu tư, trên 54.000 người đang làm việc... tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chính sách thí điểm người nước ngoài được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Nếu đề án được thông qua, người nước ngoài sẽ được quyền mua và sở hữu nhà tại Việt Nam thay vì chỉ được thuê như hiện nay.
Cho mua nhà: Thu hút nhiều nhà đầu tư hơn
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, hiện pháp luật chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở quy định tổ chức nước ngoài được quyền thuê đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua.
Nếu tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất thuê, nếu xây dựng nhà ở để bán thì nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam từ ba tháng liên tục trở lên thì được thuê nhà ở tại Việt Nam. Riêng những người nước ngoài khác (tham gia các dự án đầu tư, nhà khoa học, người có công với cách mạng, các chuyên gia được mời vào Việt Nam làm việc...) thì Luật Nhà ở chưa cho phép họ được sở hữu nhà ở.
Sáu đối tượng dự kiến được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là:
- Người vào trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư.
- Người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được tặng bằng khen từ cấp bộ trở lên.
- Nhà văn hóa, nhà khoa học.
- Người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam.
- Người được Chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam (doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh).
Những tổ chức, cá nhân trên phải được phép cư trú, hoạt động tại Việt Nam từ một năm liên tục trở lên.
Theo Pháp Luật