Người nước ngoài mua nhà tại VN: Có trình độ, tâm huyết với VN là được

Cập nhật 16/05/2008 10:00

Sau khi họp riêng về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại VN, Quốc hội dự kiến thông qua nghị quyết về vấn đề này vào ngày 25-5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Đức Mạnh - phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng: Bên cạnh những qui định tạo sự ràng buộc như chỉ cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư, phải có các qui định tạo thuận lợi, nhất là trong bối cảnh hành chính hiện nay thì càng cần thiết phải đơn giản hóa thủ tục mua nhà, kể từ việc nộp hồ sơ.

* Người nước ngoài tại VN hiện rất đa dạng về đối tượng, nhưng dự kiến chỉ có ba đối tượng được mua nhà ở, ông nghĩ sao?

Quan điểm của tôi là nên mở rộng đối tượng. Hơn nữa, dự thảo của Bộ Xây dựng qui định một trong những đối tượng người nước ngoài được mua nhà ở tại VN phải là người có học hàm, học vị. Ở VN, học hàm có thể là câu chuyện quan trọng, nhưng ở nhiều nước những người đi giảng dạy đều có học hàm, bên cạnh đó nhiều trường hợp là người có kinh nghiệm, trình độ được mời giảng dạy ở các trường đại học có danh tiếng nhưng lại không có học hàm. Ví dụ, trong lĩnh vực pháp luật, có những người là trợ lý thẩm phán tòa án tối cao nhưng không có học hàm. Vì vậy, chúng ta không nên câu nệ việc này, miễn người nước ngoài có trình độ, có tâm huyết với VN là được.

Ngoài ra, với những người hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, bảo vệ môi trường và cả trong lĩnh vực thể thao cũng nên tạo điều kiện cho họ mua nhà tại VN. Có những người nước ngoài đã ở VN hàng chục năm để cứu trợ động vật hoang dã, hay có những nghệ sĩ, vận động viên mà thành tích của họ vinh dự không kém việc có học hàm.



Ông Ngô Đức Mạnh.

* Đang có những lo ngại là nếu quá mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua nhà ở tại VN sẽ ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền, thậm chí sẽ làm nóng thêm thị trường bất động sản?

Những người lo ngại như vậy hẳn có lý do, nhưng sự lo ngại cần được kiểm chứng trên số liệu, thông tin thực tế. Như vậy, đòi hỏi cơ quan chuyên môn phải rà soát các đối tượng tiềm năng. Có một điều tất nhiên là người nước ngoài đến làm việc tại VN sẽ ngày càng nhiều, theo đó con số người nước ngoài muốn mua nhà ở tại VN cũng ngày càng nhiều hơn. Đó là điều đáng mừng chứ không có gì phải lo ngại, hơn nữa chúng ta phải nhìn vấn đề trên lợi ích tổng thể. Tôi nghĩ về lâu dài, cái được của chủ trương này vẫn ưu thế hơn cái có thể mất.

Để có sự ràng buộc cần thiết, trong nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này nên qui định rõ là người nước ngoài chỉ được phép mua nhà tại VN để ở chứ không được kinh doanh.

* Không kinh doanh, nhưng nhu cầu mua - bán sẽ là tất yếu khi người nước ngoài chuyển nơi làm việc trên lãnh thổ VN hoặc về nước. Như vậy sẽ rất khó phân định trong vấn đề này?

Sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh trên thực tế khi chủ trương nêu trên được triển khai, nhưng chúng ta đã xác định làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Trước mắt, chưa thể nghĩ hết mọi vấn đề sẽ xảy ra.

Đại sứ Ngô Quang Xuân (phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội):

Không nên lo bị lợi dụng hay bị ảnh hưởng

Trên thế giới, các nước đều có chính sách cho người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà ở, theo đó nhiều cơ quan đại diện của ta ở một số nước đã thực hiện chính sách đó. Khi chúng ta thực hiện chính sách này, cần hết sức lưu ý các qui định trong hợp đồng mua, bán nhà, vì chính hợp đồng này sẽ vận hành chính sách trên thực tế.

Với chính sách này, chúng ta không nên lo bị lợi dụng hay bị ảnh hưởng, mà điều nên lo là làm sao chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chính sách, trong đó có việc tạo dễ dàng cho người mua nhà, cũng như các nghĩa vụ cần thiết ghi trong hợp đồng để đảm bảo lợi ích cộng đồng chứ không phải chỉ có lợi ích của người mua. 

81.000: Đó là số người nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại VN, trong đó khoảng 10.000 người đủ điều kiện mua nhà.


Theo
Địa Ốc TTO