Cho người nước ngoài mua nhà, kinh doanh bất động sản cần có cơ chế kiểm soát năng lực của nhà đầu tư và phải kiểm soát dòng tiền
Ngày 21-3, tại TP HCM, Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và Luật Nhà ở.
Cho nhưng phải kiểm soát
Ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận xét dự thảo Luật Kinh doanh BĐS lần này Bộ Xây dựng đề xuất quy định mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt kiều là điểm sáng nhất của dự thảo. Điều này không chỉ góp phần giải quyết đóng băng của thị trường BĐS mà phù hợp với xu hướng sửa đổi Luật Đầu tư.
Việc cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà sẽ thu hút nguồn lực đầu tư vào thị trường bất động sản Ảnh: Hồng thúy
|
Dễ tiếp tay thế chấp sai phạm
Cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cũng tổ chức góp ý Luật Nhà ở sửa đổi.
Theo dự thảo luật, phí bảo trì chung cư sẽ do cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện lập, muốn giải ngân phải được sự đồng ý của huyện. Theo lý giải của đơn vị soạn thảo, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng ban quản trị chung cư ôm tiền bỏ trốn (thực tế đã diễn ra).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng điều này là vô lý bởi phí bảo trì chung cư là tài sản của những người sở hữu chung cư, cơ quan nhà nước không có tư cách quản lý, ở góc độ nào đó là vi phạm quyền chủ sở hữu tài sản. Luật sư Hậu đề xuất ban quản trị chung cư và đại diện chủ đầu tư cùng đứng tên tài khoản tiền phí bảo trì chung cư.
Ông Trần Du Lịch, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, chia sẻ kinh nghiệm của thế giới: Chủ đầu tư sở hữu đất, chỉ bán các căn hộ chung cư và người mua chỉ sở hữu căn hộ, quỹ bảo trì chung cư giao cho chủ đầu tư để bảo dưỡng chung cư, chủ đầu tư sai phạm thì người sở hữu chung cư kiện ra tòa; trường hợp chủ đầu tư phá sản hay chạy mất thì quyền sử dụng đất được giao lại cho công ty nhà nước. Ông Lịch đề nghị người mua nhà được sở hữu theo tuổi thọ của công trình, còn bán chung cư mà bán luôn cả quyền sử dụng đất là không nên.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Hiếu Hạnh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP tỏ ra lo lắng về ý kiến chỉ chuyển nhượng công trình mà không chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bởi lẽ nhiều dự án nhà ở tại TP do chủ chủ đầu tư đứng tên quyền sử dụng đất nên đã đem cầm cố khiến người mua không được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, nếu việc giao dịch không gắn với quyền sử dụng đất thì mọi biến động trên thửa đất, Sở Tài nguyên - Môi trường không quản lý được. Bà Hạnh cũng đề nghị Dự thảo Luật nên quy định kỹ về việc cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để tránh trường hợp cả chủ đầu tư và khách hàng mua nhà đã ký hợp đồng cùng thế chấp một căn hộ. Ngoài ra, cần khống chế số lần chuyển nhượng và một số điều kiện ràng buộc khác, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chuyển nhượng tràn lan và trốn thuế.