Ông Henry Smith, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường người Austraylia làm việc và sinh sống tại Việt Nam nhiều năm liền bày tỏ: Đi thuê nhà, muốn ký hợp đồng lâu dài để yên tâm sinh sống cũng không được. Chủ nhà cứ gia hạn theo thời gian nhất định để tăng giá nhà.
Khi hệ thống điện hay chiếc máy điều hoà hỏng lại phải gọi chủ nhà đến can thiệp. Do không được tự chủ trong ngôi nhà mình sinh sống nên nhiều lúc rất mệt mỏi. Ngay khi thấy mình đủ điều kiện để được xét mua nhà tại Việt Nam, năm 2000, tôi đã quyết định mua một căn hộ chung cư tại CIPUTRA, vì vậy chúng tôi có thể yên tâm sinh sống, làm ăn tại đây”.
Ông Satmad Zok, một nhà tư vấn kinh doanh trong lĩnh vực BĐS người Ả Rập đã có 8 năm làm việc ở Việt Nam vẫn còn ngại ngùng khi quyết định mua một căn nhà tại đây: Theo quy định tôi có đủ điều kiện để sở hữu căn hộ tại Việt Nam, nhưng thủ tục mua bán nhà rất rắc rối nên việc đứng tên sở hữu căn nhà không phải đơn giản. Người Việt Nam mua nhà từ tay chủ đầu tư đã khó huống hồ người nước ngoài chúng tôi.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN&MT, sau 4 năm thực hiện quy định về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, mới chỉ có gần 300 trường hợp cá nhân người nước ngoài (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) mua nhà tại Việt Nam được đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý. Trong khi đó tính từ thời điểm ban hành quyết định, có khoảng 80 nghìn người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, họ cần thuê khoảng 1 triệu m2 nhà ở, riêng tại TP.HCM thuê khoảng 4 nghìn căn hộ, Hà Nội khoảng 1.300 căn hộ. Trước con số khiêm tốn trên, các chuyên gia BĐS cũng cho rằng cần xem xét để mở rộng đối tượng và tạo hành lang pháp lý, thủ tục thông thoáng hơn cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ tại Việt Nam, bởi thực tế rất nhiều bà con Việt kiều vẫn phải“nhờ” đứng tên căn hộ của mình…
Thời điểm ban hành quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà cũng là lúc thị trường BĐS đang lên “cơn sốt”, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có một lượng tiền nhất định của người nước ngoài đổ vào thị trường BĐS, tuy nhiên thực tế, do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như sự tụt dốc của thị trường BĐS ngay sau đó đã làm hạn chế lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Qua khảo sát, nhiều người nước ngoài cho rằng, giá nhà ở tại Việt Nam vẫn còn quá cao so với mức thu nhập và nhu cầu. Hơn nữa chính sách để người dân được mua nhà trả góp còn rất hạn chế cũng chính là cản trở lớn để họ tiếp cận được nhà ở…
Người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm ăn thường có nhu cầu nhà ở thường vừa kết hợp làm văn phòng, vừa chỗ ở, thuận tiện giao thông, an ninh, môi trường tốt. Các chung cư cao cấp cũng không thể kết hợp được nhà ở và văn phòng, đáp ứng những yêu cầu đó phải là nhà phố, nhà biệt thự trong khi đó người nước ngoài chưa được phép mua loại nhà này, chính vì vậy phương án đi thuê vẫn được họ lựa chọn.
Theo quy định, thủ tục mua bán nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài được áp dụng như đối với công dân ở trong nước và các tranh chấp về nhà ở sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do quy định người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong các dự án nhà ở thương mại (chứ không quy định mua từ ai, chủ đầu tư hay người dân chuyển nhượng lại), chính vì vậy nếu người dân có căn hộ tại dự án, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoàn toàn có quyền nhượng lại cho người nước ngoài đủ điều kiện… Tuy nhiên nhiều người nước ngoài vẫn rất ngại ngùng với các thủ tục chuyển nhượng để dành quyền chính chủ cho căn nhà của mình.
Theo các chuyên gia, việc thí điểm thực hiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài yên tâm làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu phá bỏ được những “rào cản”, tạo điều kiện để người nước ngoài yên tâm khi bỏ đồng tiền của mình mua nhà ở sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS đang trầm lắng như hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng