Người nước ngoài cư trú tại VN từ 1 năm trở lên: được mua và sở hữu nhà ở tại VN

Cập nhật 02/10/2008 10:00

Đó là nội dung tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2009.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa có Tờ trình số 85/TTr-BXD, ngày 1/10/2008, gửi Chính phủ đề nghị ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12.

Theo đó, dự thảo Nghị định tập trung quy định và hướng dẫn cụ thể một số nội dung về giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở tại VN của tổ chức, cá nhân nước ngoài; về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết của các Bộ, ngành có liên quan và của UBND cấp tỉnh.

Mở rộng diện có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được sở hữu nhà ở


Theo quy định của Nghị quyết số 19/2008/QH12, có 5 loại đối tượng thuộc diện được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở tại VN (trong đó có 4 đối tượng là cá nhân nước ngoài và 1 đối tượng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Do có sự khác nhau giữa 2 loại đối tượng nêu trên nên Bộ Xây dựng đề xuất việc quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh 2 loại đối tượng này.

Thứ nhất, về giấy tờ chứng minh, để xác định là cá nhân nước ngoài, dự thảo quy định đối tượng này phải có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Ngoài điều kiện về hộ chiếu, tuỳ từng trường hợp cụ thể, cá nhân nước ngoài còn phải xuất trình các giấy tờ chứng minh đối tượng như: nếu là nhà đầu tư, phải có tên trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ tương ứng với giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp; nếu là người có công đóng góp với đất nước, phải có Bằng Huân chương hoặc Bằng Huy chương do Chủ tịch nước trao tặng; nếu là người kết hôn với công dân VN, phải có giấy tờ chứng nhận đăng ký kết hôn do cơ quan của VN hoặc nước ngoài cấp kèm theo hộ chiếu VN hoặc hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân của một bên là công dân VN...

Bên cạnh việc hướng dẫn về giấy tờ, dự thảo còn quy định cụ thể một số nội dung như về các chức danh quản lý trong doanh nghiệp, về các lĩnh vực kinh tế-xã hội có người nước ngoài đang tham gia làm việc để các địa phương có cơ sở thực hiện và tránh việc áp dụng tuỳ tiện sau này.

Về giấy tờ chứng minh điều kiện, cá nhân nước ngoài phải có Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại VN từ 12 tháng trở lên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật VN.

Người nước ngoài có đủ điều kiện cư trú tại VN từ 1 năm trở lên, được cấp Thẻ tạm trú và đủ điều kiện để cư trú lâu dài, được cấp Thẻ thường trú. Trường hợp không có hai loại Thẻ này nhưng có giấy tờ chứng nhận của cơ quan quản lý xuất cảnh của Bộ Công an cho phép cư trú tại VN từ 12 tháng trở lên cũng đủ điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại VN. Theo Bộ Xây dựng, quy định này vừa mở rộng diện có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được sở hữu nhà ở nhưng cũng bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc lợi dụng chính sách.

Thứ hai, về giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở tại VN áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chung giấy tờ chứng minh về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại VN nên dự thảo quy định đối tượng này phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ tương ứng với giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp còn thời hạn từ một năm trở lên. Quy định này là để tránh những trường hợp doanh nghiệp chỉ còn thời hạn đầu tư tại VN dưới một năm mua và sở hữu nhà ở tại VN.

Thứ ba, mặc dù trong Nghị quyết số 19/2008/NQ12 của Quốc hội đã có quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng Nghị quyết này mới chỉ quy định nguyên tắc chung, do vậy để các địa phương dễ dàng thực hiện, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể. Trên cơ sở quy định của Nghị quyết số 19/2008/NQ12, Bộ Xây dựng đề nghị quy định cụ thể một số nội dung như về giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong 30 ngày

Về trình, tự thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Để bảo đảm sự chặt chẽ và không gây phiền hà cho người mua nhà, dự thảo quy định người đề nghị cấp giấy chứng nhận phải lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bao gồm: giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở, hợp đồng mua bán, tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bên tặng cho, bên để thừa kế, biên lai nộp thuế, lệ phí trước bạ và nộp tại Sở Xây dựng nơi có căn hộ.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng phải có văn bản thông báo cho Bộ Xây dựng về các thông tin liên quan đến việc mua nhà ở của cá nhân nước ngoài (để thực hiện quản lý chặt chẽ). Căn cứ vào thông báo của Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng thông báo lại để Sở biết tình hình sở hữu nhà ở của người mua nhà. Nếu người mua nhà ở chưa có sở hữu nhà ở tại VN, Sở Xây dựng thể hiện nội dung trong giấy chứng nhận và trình UBND cấp tỉnh ký giấy chứng nhận.

Sau khi ký giấy chứng nhận, UBND tỉnh chuyển lại cho Sở Xây dựng để trao cho người mua nhà ở. Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở là 30 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo còn quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định này. Như vậy, với các nội dung đã được quy định cụ thể như trên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, các địa phương sẽ thực hiện được ngay mà không cần phải có văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng giải trình lý do đưa ra mức phạt 30% giá trị nhà ở nêu tại Điều 12 của dự thảo. Bộ này cho đó là một biện pháp chế tài chứ không phải là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định chung. Mặt khác, giá trị nhà ở thường rất lớn, nếu chỉ quy định mức phạt là 100.000.000 đồng như quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, sẽ không có tính răn đe cao và tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, việc đưa ra chế tài phạt 30% giá trị nhà ở nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm là hợp lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới