Ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield (Vietnam) cho rằng: Một trong những rào cản lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và cũng là yếu tố lớn nhất để đảm bảo tính sinh lời của dự án bất động sản (BĐS) là giá đất. Mà giá đất ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao.
Chỉ có 89 trong 80.000 người nước ngoài đã mua nhà ở Việt Nam. Nguồn: internet
|
Theo nội dung văn bản mới đây mà Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này, có một số điểm được kỳ vọng tạo ra phân khúc thị trường mới.
Theo đó, những đề xuất của Bộ Xây dựng được xem là cởi nút thắt đối với việc hạn chế người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam như: tăng thời hạn thuê, nới lỏng điều kiện cho thuê, bán lại và mở rộng danh sách các loại hình BĐS mà người nước ngoài được phép mua như: các quỹ đầu tư, các ngân hàng, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Đối với thời hạn sở hữu, có hai phương án được đưa ra: phương án một cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời hạn 50 năm và được gia hạn tiếp thêm một lần 50 năm nữa. Phương án hai cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời gian không quá 70 năm và không được gia hạn thêm. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ với diện tích khuôn viên đất mỗi một nhà ở không quá 500 m2. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang cân nhắc giữa hai phương án cho phép sở hữu không hạn chế hoặc hạn chế tối đa hai căn.
Tuy nhiên, kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới và hỗ trợ tình hình thị trường BĐS khi những đề xuất này được thông qua còn có những quan điểm khác nhau.
Phó giám đốc, Phòng Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển của CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung cho rằng, không nên xem nguồn cầu từ người nước ngoài là một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng nhằm giảm tải cho một thị trường thừa cung. Bởi khi thực thi Nghị quyết 19/2008 đến nay, mới chỉ có 89 trong 80.000 người nước ngoài, không bao gồm Việt kiều, hiện đang sống và làm việc đã mua nhà ở Việt Nam. Phần lớn là kết hôn với công dân Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nước ngoài mua căn hộ thậm chí còn ít hơn, chỉ vỏn vẹn 25 doanh nghiệp, theo số liệu thống kê từ CBRE.
“Nguyên nhân chính là do giá nhà đắt đỏ và có quá nhiều tiêu chí ràng buộc bởi quy định hiện hành. Giá mua nhà còn quá cao so với chi phí thuê nhà nên hầu hết các tổ chức nước ngoài vẫn ưa chuộng hình thức thuê hơn là mua căn hộ”, bà Dung nói. Ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield (Việt Nam) cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Một trong những rào cản lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và cũng là yếu tố lớn nhất để đảm bảo tính sinh lời của dự án BĐS là giá đất. Mà giá đất ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Việt Nam nhấn thêm: Điều quan trọng là các thủ tục hành chính liên quan đến việc sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn còn rất khó khăn, làm nản lòng người nước ngoài mua nhà. Các hạn chế có thể kể đến như cấm bán nhà ở trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp nhất, không được cho bên thứ ba thuê và không được sử dụng nhà ở làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Hiện tại, những quốc gia thuộc châu Á đã từng đầu tư vào thị trường Việt Nam là có mối quan tâm nhất tới những tài sản thanh lý của Việt Nam, vì họ hiểu biết nhiều về thị trường. Những quốc gia này bao gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Họ vẫn đang phát triển dự án của họ tại Việt Nam theo chiến lược dài hạn. Cushman & Wakefield đang nhận được nhiều yêu cầu quan tâm đầu tư từ các công ty Trung Đông và Nga, nhưng họ tập trung vào thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng