Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc mở rộng đối tượng kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam ở nước ngoài nhưng đề nghị rà soát điều kiện kinh doanh để tránh tình trạng Việt kiều "tay không bắt giặc".
Sáng 10.3, Thường vụ Quốc hội thảo luận hai dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại buổi làm việc đầu tiên của phiên họp lần thứ 26. Ba vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm nhất khi thảo luận về dự thảo luật này là cho người nước ngoài được kinh doanh bất động sản ở Việt Nam và cho phép các kinh doanh các dự án bất động sản trong tương lai và sàn giao dịch bất động sản.
Đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước với thị trường BĐS
Trong phần trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong quy định cho người Việt Nam ở nước ngoài được phép mua nhà, cần cân nhắc tách riêng người Việt Nam có quốc tịch Việt Nam và người Việt chưa có quốc tịch Việt Nam và phải đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước với thị trường bất động sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Trần Văn Giàu tán thành việc cho người Việt ở nước ngoài mua nhà song cần có quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh.
|
Tác thành mở rộng quyền mua nhà cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị: “Phải có điều kiện để kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư để tránh tình trạng một số Việt kiều “tay không bắt giặc” gây thiệt hại cho người dân và tránh tình trạng lợi dụng kinh doanh bất động sản để chuyển tiền ra nước ngoài.
Cũng đồng ý với quan điểm mở rộng cho phép người nước Việt Nam ở nước ngoài được đầu tư bất động sản song Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: “Việc quy định không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh gây khó cho người kinh doanh vì Luật không xác định rõ thế nào là nhạy cảm”. Ông Sơn đề xuất: “Nên cấm không được kinh doanh đất quốc phòng an ninh”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cũng nhất trí với việc mở rộng phạm vi, cho phép kinh doanh bất động sản với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đề nghị mở rộng thêm cho người nước ngoài muốn định cư ở Việt Nam.
Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thêm kiến nghị: “Nên mở cho người nước ngoài mua nhà, công trình xây dựng và phải có quy định kiểm soát các công trình xât dựng được giao vì hiện nay đã xuất hiện công trình liên doanh với nước ngoài”.
“Phải quy định các điều kiện cụ thể vì người gốc Việt rất rộng. Trong hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài chỉ có khoảng vài nghìn người đăng ký quốc tịch, trong khi có quy định nếu không đăng ký sẽ mất quốc tịch” – Ông Hằng đề xuất.
Bất động sản tương lai: Cho phép nhưng phải quản lý
Về việc cho phép kinh doanh trong tương lai đối với các công trình xây dựng, ông Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Thực tế đem lại hiệu quả nhất định nhưng có tình trạng dự án bị đình trệ người dân không biết đòi tiền ở đâu”. Ông Hiển cho rằng, nên cân nhắc việc mở rộng bởi nó sẽ làm cho tình trạng kinh doanh bất động sản ảo, không tuân thủ pháp luật, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư và người dân để làm việc khác.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
|
Cùng chung lo lắng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc mở rộng này có thể mở đường cho một số doanh nghiệp tài chính yếu kém. Tình trạng dự án bỏ hoang, lãng phí như hiện nay là điều rất đáng lưu tâm.
“Cần phải quy định chặt: “Phải hoàn thành cơ sở hạ tầng rồi mới được giao dịch” – Ông Phúc nêu ý kiến.
Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Về các dự án bất động sản hình thành trong tương lai, cần phải có sự bảo lãnh của các tổ chức tài chính, bảo hiểm để đảm bảo khi doanh nghiệp đầu tư phá sản thì quyền lợi của người mua sẽ được đảm bảo chứ chưa nói đến việc doanh nghiệp lừa đảo”.
Không để sàn giao dịch lũng đoạn, làm giá
Về việc quản lý kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch, ông Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Trước kia nói tốt thế nao lại muốn bỏ đi? Nên đánh giá lại ưu khuyết điểm của sàn giao dịch”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Giao dịch qua sàn để công khai, minh bạch"
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu ý kiến: “Sàn giao dịch là biểu hiện bậc cao của thị trường. Chỉ có qua sàn mới minh bạch, công khai cho toàn dân biết, được kiểm định chặt chẽ của những người có trách nhiệm để đảm bảo cho người mua và người bán được đảm bảo quyền lợi. Sàn rất văn minh, không nên phủ nhận nó”.
“Phải đảm bảo người đưa hàng lên bán, và mặt hàng bán phải đủ tư cách. Giá cả giao dịch do thị trường quy định chứ sàn không phải là chỗ môi giới. Việc sàn giao dịch thông báo giá trước cho người mua hoặc người bán đều là vi phạm”.
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thông qua sàn giao dịch. Việc này có thể tạo ra trung gian bắt buộc khiến cho bất động sản tăng giá không hợp lý và các sàn giao dịch bắt tay nhau tăng giá.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng ghi nhận ý kiến góp ý của của các đại biểu: “Sẽ tiếp thu, xem xét nội hàm công việc của sàn giao dịch. Việc giao dịch qua sàn không bắt buộc nhưng phải minh bạch để đảm bảo lợi ích của cả bên mua và bên bán”.
DiaOcOnline.vn - Theo Một thế giới