Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà ở VN: Không ai bê nhà ra nước ngoài

Cập nhật 29/10/2014 08:40

“Thay vì tự lấy dây buộc chân thì ta nên cởi bỏ để đi nhanh hơn. Quan trọng là kiểm soát tốt bước đi của mình...", một ĐB Quốc hội nói việc chuyện cho người nước ngoài mua nhà ở VN.


Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi với các điều khoản mở cho người nước ngoài mua nhà tại VN trình Quốc hội kỳ họp này nhận được sự đồng thuận cao của nhiều đại biểu.

Không chỉ đề xuất mở tối đa điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại VN, nhiều chuyên gia, đại biểu (ĐB) Quốc hội còn đề xuất cần có thêm những chính sách để người nước ngoài sinh lợi trên tài sản họ sở hữu.

Nới như công dân VN

Cung có, cầu có nhưng bị cản trở

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, chỉ tính riêng người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại VN có đến 130.000 người phải đi thuê nhà vì không mua được.

Hiện số lượng người nước ngoài định cư ở VN cũng rất đông, khoảng 80.000 người và đang có xu hướng tăng, rất nhiều người trong số này có nhu cầu mua nhà để an cư. Trong khi đó, thực tế bất động sản đang tồn đọng rất lớn, chủ yếu là phân khúc cao cấp. Cung có, cầu có nhưng không thể gặp nhau là do các quy định quá cứng nhắc của ta. Vì vậy các chuyên gia kinh tế, các ĐB Quốc hội, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự mở cửa của chính sách ở kỳ họp Quốc hội lần này.
 

Trong một phiên họp hồi cuối năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở tối đa cho người nước ngoài và Việt kiều mua được nhà ở VN, chỉ trừ những đối tượng bị kiểm soát an ninh. Thủ tướng lấy ví dụ cụ thể như ở Singapore, người nước ngoài cứ nhập cảnh vào là mua, bán thoải mái nhưng thuế rất chặt. Trong khi đó, chúng ta cứ “thụt thò” như hiện nay rất khó quản lý. Mặc dù người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo và có ý kiến mạnh mẽ như vậy nhưng những người soạn thảo luật vẫn luôn “sợ hãi”, vẫn bị lối tư duy trì trệ sợ người nước ngoài mua nhà rồi... chiếm VN.

Về vấn đề này, ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng không chỉ mở cửa thị trường để người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN, thậm chí chúng ta cần có những chính sách khuyến khích họ như có thể cho thuê lại, dùng vào mục đích kinh doanh... “Hay nói cách khác là cố gắng để quyền sở hữu của người nước ngoài mua nhà trong nước được gần như công dân VN. Có như vậy mới bớt được rào cản, thu hút dòng vốn ngoại cho thị trường bất động sản trong nước”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa phân tích thêm thị trường bất động sản là thị trường rất lớn, có tính chất dây chuyền với nhiều ngành nghề khác. Vì vậy nếu thị trường này được kích hoạt sẽ kéo theo rất nhiều ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng, nội thất, tạo công ăn việc làm đi lên… góp phần phát triển kinh tế. Đây cũng là hình thức xuất khẩu tại chỗ cho người nước ngoài. Dù mua, sở hữu bất động sản ở trong nước nhưng thực tế, người nước ngoài không thể mang tài sản này ra nước ngoài. Đặc biệt, với tình trạng tồn kho bất động sản như hiện nay, nhất là ở phân khúc hàng cao cấp, thì dòng vốn từ ngoài vào sẽ có vai trò khá lớn trong việc hâm nóng thị trường, nên xem đây là việc khuyến khích đầu tư từ nước ngoài vào.

Đừng tự lấy dây buộc mình

“Thay vì tự lấy dây buộc chân thì ta nên cởi bỏ để đi nhanh hơn. Quan trọng là kiểm soát tốt bước đi của mình. Không nên uổng phí nguồn lực từ bên ngoài vào trong nước. Cần quy định người nước ngoài cứ có nhu cầu là có thể được mua, sở hữu nhà ở VN và có chính sách để họ sinh lợi thêm từ tài sản họ sở hữu”, ông Nghĩa dứt khoát.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết đây là vấn đề ông hết sức tâm huyết và đã nhiều lần có ý kiến trực tiếp cũng như bằng văn bản với lãnh đạo các cấp, ngành có thẩm quyền trong việc này. “Việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại VN sẽ xây dựng hình ảnh nước ta như là một quốc gia tương đồng với các nước. Thay vì xuất khẩu nguyên liệu cát đá, xi măng, thép giá trị thấp… việc bán nhà ở cho người nước ngoài sẽ tạo thêm ngoại tệ cho đất nước, làm gia tăng giá trị tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động, tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản trong dài hạn”, ông Châu nói.

Ông Châu cũng nhận định: “Hơn 6 năm thí điểm cho người nước ngoài, kể cả Việt kiều mua nhà tại VN nhưng cũng chỉ có gần 200 trường hợp được giải quyết. Kết quả này quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nguyên nhân là do điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại VN còn khắt khe, chưa thông thoáng và cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, đây là lúc chúng ta phải tháo bỏ những quy định, rào cản vô lý để tạo sự đột phá cho thị trường bất động sản trong nước”.
 

Không nên hành chính hóa quản lý

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, từng có nhiều năm làm việc cho tập đoàn bất động sản nước ngoài thổ lộ rất nhiều doanh nghiệp khác đang rất mong chờ vào chính sách mở cửa thị trường cho người nước ngoài mua nhà. Theo ông Trung, nên để thị trường vận động theo quy luật của nó chứ không nên dùng các biện pháp hành chính hóa quản lý, dễ gây sai lệch. Chủ trương mở cửa đã được Chính phủ bật đèn xanh từ khá lâu nhưng sự thận trọng không cần thiết của một số ít ý kiến lại làm chậm việc này. Cũng vì thế, hầu hết doanh nghiệp đều phải tự mò, vừa làm vừa ngóng chính sách, đến đâu hay đến đó, dẫn đến tình trạng thiếu bài bản, khó xây dựng kế hoạch dài hơi. “Cần thay đổi tư tưởng quản lý, thay vì lập hàng rào, cơ quan quản lý nên đưa ra chính sách hợp lý để bất động sản VN trở thành nơi đất lành cho chim thi nhau đậu, quyến rũ người nước ngoài, Việt kiều đến đầu tư”, ông Trung nói.
 

Cân bằng quyền lợi

Lâu nay, cũng có những ý kiến cho rằng cần đảm bảo việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN không làm giảm đi hoặc không làm mất cơ hội mua và sở hữu nhà ở của đa số người dân trong nước đang có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Liên quan ý kiến này, ông Lê Hoàng Châu đề xuất luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở cao cấp (có thể xác định mức giá trên 21 triệu đồng/m2, tương đương trên 1.000 USD/m2) để không cạnh tranh trực tiếp với người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên