Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 mở rộng cho Việt kiều và người nước ngoài được mua, sở hữu bất động sản tại Việt Nam được đánh giá sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển.
Luật Nhà ở sửa đổi đem lại nhiều kỳ vọng cho thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Toàn
|
Đây cũng là cơ hội để đón dòng tiền mới, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Quy định này được cả nhà đầu tư và người mua kỳ vọng có thêm luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản Việt Nam, vốn chưa mấy khởi sắc và dòng tiền trong nước vẫn còn e dè với địa ốc.
Nhớ lại cách đầy vài năm, ông Hoàng Văn Thiềng, Chỉ tịch HĐQT CTCP Du lịch Quốc tế Hòn Dấu ngậm ngùi: “Lúc đó, có cả trăm Việt kiều và cả người nước ngoài đến tìm hiểu và muốn mua đất nền biệt thự nghỉ dưỡng tại Dự án Hòn Dấu Resort, nhưng vì thủ tục bên mình chưa cho phép, nên họ không mua. Nếu bán được từ mấy năm trước, thì dự án bớt khó khăn hơn”.
Nhận định về tác động của Luật Nhà ở sửa đổi với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Sông Hồng cho biết, cơ hội không chỉ mở ra cho người mua, mà cho cả người bán. Quy định này giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam tương đồng với thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.
“Rất nhiều Việt kiều cao tuổi đang sinh sống ở nước ngoài mong muốn có một nơi ở ổn định để về lại quê hương. Đó là cơ hội bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản trong nước”, ông Phong nói và cho biết, Sông Hồng đang xem xét khả năng sinh lời ở một số dự án có vị trí tốt để bung ra thị trường trong thời gian tới.
Thông tin được “mua nhà thoải mái” tại Việt Nam cũng làm cho nhiều Việt kiều có tính toán mới, đặc biệt là với những Việt kiều cao tuổi. Họ rất muốn gặp lại người thân, bè bạn sau nhiều năm tháng xa quê.
Sau vụ Eward Chi lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng tại Dự án Tricon Tower, nhiều người dân và nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn với các dự án của Việt kiều, vì vậy, nhiều doanh nhân Việt kiều mong muốn có chỗ ở ổn định tại Việt Nam để đem lại niềm tin đối với nhà đầu tư và khách hàng trong nước. Điều này cũng đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Không chỉ Việt kiều, nhiều cá nhân người nước ngoài muốn gắn bó và làm ăn lâu dài ở Việt Nam cũng rất muốn được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Anh Frank (quốc tịch Pháp), người thường xuyên qua lại Việt Nam để trao đổi thông tin về nguyên liệu của ngành dược tâm sự, anh rất muốn lấy vợ người Việt và sống ở Việt Nam, nhưng lại không có nhà, dù vẫn đủ tiền để mua căn hộ khoảng 3 tỷ đồng. Anh biết, tâm lý của nhiều cô gái Việt muốn chồng phải có nhà, nên anh muốn mua nhà ở Việt Nam, nhưng với người phương Tây như anh lại muốn rõ ràng, rành mạch, nên không thích nhờ người khác đứng tên căn nhà của mình. Do đó, anh vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng của mình.
Với quy định mới của Luật Nhà ở sửa đổi, khả năng, nguyện vọng của anh Frank và nhiều người nước ngoài khác sẽ được thực hiện. Thị trường bất động sản trong nước, kể cả phân khúc căn hộ, biệt thự, đất nền được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, quy định mới này có tạo được “sóng” trên thị trường bất động sản hay không còn phải chờ thời gian nữa trả lời.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản