Kiều hối về Việt Nam nhiều nhất thế giới

Cập nhật 14/12/2011 14:55

Bất chấp kinh tế thế giới khó khăn, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2011 được dự báo sẽ đạt trên 9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã trở thành 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.


Năm nay, doanh số của phòng kinh doanh dịch vụ chuyển tiền và kiều hối của Ngân hàng Vietinbank ước đạt trên 1,3 tỷ USD, đây là con số lớn nhất từ trước tới nay mà Ngân hàng này có được. Tuy nhiên, đằng sau mức tăng trưởng ấn tượng về lượng kiều hối lên tới trên 9 tỷ USD trong năm nay, câu hỏi được quan tâm nhất lúc này đó là tại sao cả thế giới đang ngập chìm trong khó khăn, vậy mà dòng tiền đổ về Việt Nam lại tăng cao kỉ lục như vậy?

Bằng hình ảnh “nước chảy chỗ trũng”, cộng với sự hấp dẫn về hiệu quả sinh lời của đồng vốn, ông Ngô Xuân Hải, Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ chuyển tiền và kiều hối ngân hàng Vietinbank đã lí giải về hiện tượng kiều hối tăng cao này ở Việt Nam.

“Sở dĩ kiều hối năm nay tăng trưởng cao như vậy là vì bây giờ, kiều hối ngoài mục đích là trợ cấp thân nhân thì còn là dòng tiền đầu tư, ví dụ như đầu tư bất động sản, đầu tư kinh doanh hay đơn giản là chỉ cần hưởng chênh lệch lãi suất”, ông Ngô Xuân Hải cho biết.

Một con số thống kê thú vị nữa cũng đã được Ngân hàng Vietinbank dẫn ra, đó là có tới 30% lượng kiều hối bán cho ngân hàng và sau đó chuyển sang VND đang có xu hướng tăng lên.

Một thống kế mới nhất từ Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho hay, có tới 52% lượng kiều hồi đổ vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng. Dù chưa có chính sách nhằm định hướng dòng tiền kiều hối, nhưng rõ ràng với 9 tỷ USD, chiếm gần 1/10 GDP của Việt Nam thì đây là một trợ lực hữu hiệu cho nền kinh tế.

Ông Đặng Trung Dũng, Phó TGĐ Ngân hàng SHB nhận định: “Tôi nghĩ, lượng tiền kiều hối đã trở thành thành phần rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, nó có ý nghĩa rất lớn đối với cán cân thanh toán, cán cân thương mại của Việt Nam. Con số 9 tỷ USD đã nói lên tất cả, nhất là trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn thì lượng kiều hối một mặt nào đó cũng phản ánh sự hấp dẫn và ổn định của thị trường Việt Nam”.

Rõ ràng với gần 4 triệu Việt kiều sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, hiện nay, nguồn lực kiều hối trong tương lai vẫn được coi là còn dư địa và tiềm năng tăng trưởng. Hiện tại, với 9 tỷ USD, ít nhất sức ép về sự thiếu hụt cán cân vãng lai và là nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế cũng sẽ được giảm thiểu rất nhiều.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV