Cơ chế thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (thực hiện từ 1-1-2009) đang thu hút sự chú ý không chỉ người nước ngoài mà còn cả các nhà kinh doanh địa ốc.
Người nước ngoài coi đó là yếu tố khuyến khích họ tham gia đầu tư và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) cũng hy vọng đây là một yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS sôi động hơn.
Theo các chuyên gia địa ốc, hiện nay mức giá căn phòng khoảng 100m2 cho người nước ngoài thuê dao động trong khoảng 5 đến 20 triệu đồng/tháng, tùy độ đẹp và tiện nghi. Tại khu vực trung tâm, giá thuê đặc biệt cao, lên tới 2.000 - 3.000 USD/căn/tháng. Với mức giá thuê này, riêng tiền thuê nhà 2-3 năm đã có thể mua một căn hộ đẹp ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Đa số người nước ngoài đều có tâm lý muốn sở hữu những căn nhà đàng hoàng để phục vụ cho sinh hoạt và làm việc lâu dài. Vì vậy, khi cơ chế này được thực thi thì chắc chắn sẽ có hàng chục nghìn người muốn mua nhà để ở. Tính toán này dựa trên một thông tin cho biết hiện có hơn 80 nghìn người nước ngoài đang học tập, làm việc tại Việt Nam... Và việc Quốc hội thông qua Nghị quyết cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam có thể là tác nhân làm “tan băng” thị trường BĐS ở Việt Nam? Giới kinh doanh BĐS thì cho rằng đây là một tin tốt cho thị trường và giá nhà chung cư cao cấp chắc chắn sẽ có biến động, vì đây là loại căn hộ nhiều người nước ngoài muốn nhắm tới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lại có quan điểm khác. Ông cho rằng, người nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam nhiều là vậy nhưng thực tế số người có nhu cầu sở hữu nhà ở thật sự chỉ chiếm lượng nhỏ. Dự tính, chỉ có khoảng 10 nghìn người nước ngoài có đủ điều kiện mua nhà ở nước ta. Nguồn mua này có thể “hâm nóng” thị trường địa ốc nhưng thực tế vẫn chưa đủ sức tác động lớn tới việc cung-cầu. Bởi hằng năm, toàn quốc có khoảng 30 triệu mét vuông nhà ở được xây dựng, trong đó có khoảng 9 triệu mét vuông căn hộ chung cư đô thị.
Ông Nam nhấn mạnh: “Khả năng đối tượng này mua nhà để đầu cơ là rất ít, bởi Nghị quyết đã quy định khá chặt chẽ về điều kiện, thủ tục được mua nhà, điều kiện được sang nhượng”...
Theo Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, đối tượng được mua hạn chế ở 5 loại với thời gian sở hữu tối đa 50 năm, nên đây chưa thể là liều thuốc tác động mạnh đến thị trường BĐS hiện đang đóng băng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn mỗi người nước ngoài chỉ được mua 1 căn hộ chung cư nên cầu sẽ chưa được kích mạnh.
Để minh bạch hóa thị trường BĐS, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam còn phải chịu một số hạn chế, ví như chỉ được mua nhà để ở chứ không được kinh doanh lại theo kiểu cho thuê, làm văn phòng; trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi hết thời hạn, chủ sở hữu nhà ở phải bán, tặng hoặc cho căn nhà đó… Những quy định chặt chẽ này sẽ hạn chế được nguy cơ người nước ngoài bỏ tiền đầu cơ nhà đất, gây xáo trộn thị trường BĐS. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ chỉ đạt mục tiêu tác động mạnh đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, tạo điều kiện cho họ gắn bó và yên tâm làm việc.
Với các phân tích kể trên, có thể khẳng định Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà chung cư ở Việt Nam khá chặt chẽ và hạn chế được nạn đầu cơ. Việc thông qua chủ trương cho người nước ngoài mua nhà thể hiện chính sách thông thoáng của Nhà nước trong lĩnh vực này. Sở hữu nhà ở Việt Nam để sinh sống, làm ăn đang là ước mơ sắp thành hiện thực của nhiều người nước ngoài nhưng giới đầu tư không nên quá kỳ vọng việc họ sẽ ồ ạt mua nhà tại Việt Nam để găm hàng rồi mà… chết yểu.
Theo Hà Nội Mới