Trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất quy định mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là Việt kiều). Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của dư luận, song các chuyên gia cũng lưu ý những vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, kiểm soát thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, sao cho kênh đầu tư này an toàn và hiệu quả.
Vốn ngoại đang có thêm nhiều cơ hội ở thị trường BĐS Việt Nam (Ảnh minh họa). Ảnh: H.A
|
Khoản 2, Điều 8, dự thảo Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS trong phạm vi sau đây: Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại”. |
Kênh đầu tư khả thi
Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt kiều. Theo đó cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS là Việt kiều được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư có điều kiện huy động vốn, khai thác từng phần công trình trong quá trình xây dựng; đồng thời người thuê có điều kiện tham gia cùng với chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thiết kế, giám sát quá trình thi công xây dựng.
Thực tế, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS được coi là lực đỡ đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ cho các dự án đầu tư BĐS tại Việt Nam. Năm 2013, dòng vốn FDI vào Việt Nam lập kỉ lục 22 tỷ USD, trong đó giá trị đầu tư vào BĐS đứng thứ 3 trong các lĩnh vực được đầu tư. Với mục đích thu hút nguồn lực đầu tư vào thị trường BĐS trong nước, trước thực tế nguồn vốn cho thị trường BĐS đang rất thiếu và yếu như hiện nay, quy định này nhận được các ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có cơ chế kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư ngoại. Các điều khoản hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh BĐS cũng cần phải được các cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý để tránh hệ lụy không hay.
Theo ông Trần Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, kênh đầu tư xã hội cho BĐS hiện nay rất kém, trong khi nguồn đầu tư từ vốn nước ngoài lại là kênh khả thi cao, đồng thời cũng giúp giảm áp lực cho ngân hàng về dòng vốn tín dụng cho đầu tư, Vì vậy, nếu chúng ta có nhiều kênh để quản lý, kiểm soát được thì nên cho phép mở rộng phạm vi đầu tư.
Cần có công ty độc lập giám sát dự án
Cho rằng quá trình đầu tư vào BĐS có nhiều bước, thời gian kéo dài, nên mở hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều được đầu tư vào các BĐS hình thành trong tương lai bởi “đấy là một giải pháp có tính linh hoạt, có tác dụng hỗ trợ nguồn vốn đầu tư một cách tích cực”, nhưng ông Thành cũng lưu ý cần phải xác định khi mở ra có quản lý được không. “Vấn đề đặt ra là chúng ta có kiểm soát được nguồn vốn đó đi đúng hướng, đảm bảo đúng mục tiêu ban đầu không?”, ông Thành nêu ý kiến.
Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư BĐS của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, Việt kiều, ông Trần Ngọc Thành đề xuất: “nếu trước đây chúng ta đặt “hàng rào” ở biên giới thì bây giờ chúng ta dịch chuyển hàng rào đó vào trong dự án. Tức là ta phải kiểm soát chặt từng dự án, các ngành, các cơ quan chức năng phải làm việc hết sức nghiêm túc”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, điều quan trọng là cần phải có một công ty độc lập làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện của các dự án. Việt Nam cần xem xét thành lập những công ty này. Trước lo ngại nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài sau khi huy động vốn của người dân vào dự án thì “biến mất”, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho phép chủ đầu tư, trong đó chủ đầu tư nước ngoài huy động vốn của dân là điều vô cùng bất hợp lý, ở nước ngoài người ta không cho phép. “chủ đầu tư thiếu tiền thì phải đến ngân hàng để vay chứ họ không được vay tiền trong dân chúng. Tôi cho rằng không nên bởi các chủ đầu tư vẫn thường hay thổi phồng giá trị các dự án của mình lên, kêu gọi dân chúng đóng góp vào, nhưng khi chủ đầu tư bỏ đi thì dân chúng là người thiệt thòi”, ông Hiếu đề xuất.