Đơn giản thủ tục Việt kiều mua nhà

Cập nhật 23/07/2015 13:09

Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) vừa gửi công văn cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các ban, ngành liên quan góp ý về việc bổ sung thêm thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho Việt kiều, cá nhân sinh sống tại nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam được thuận lợi.


Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, Luật Nhà ở năm 2014 đã mở ra nhiều cơ hội cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số chi tiết trong luật chưa cụ thể và chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên cần bổ sung thêm.

Cụ thể, về việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Do vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để xử lý các trường hợp nêu trên để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà.

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội cũng đã thảo luận dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua trong kỳ họp cuối năm 2015. Vì thế, HOREA kiến nghị bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành "án thế vì khai sinh" để giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc, trong đó có mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước. Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Hà Nội, TPHCM cũng là những cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài.

Về quy định cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại, HOREA đề nghị cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm; với Việt kiều được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định quy định khi được gia hạn quyền sở hữu nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính.

Ngoài ra, Chính phủ nên công bố khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở; có thể ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố danh mục các khu vực này và không nên quy định thêm quy trình các bộ này "có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh để chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở" như trong dự thảo Nghị định, vì có thể làm gia tăng thủ tục hành chính không cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cũng nên thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Về thời hạn cấp visa cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, hiệp hội đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng thống nhất cấp visa với thời hạn dài, có thể 1-3 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư