Điều kiện sở hữu nhà của Việt kiều

Cập nhật 16/11/2009 09:15

Người có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà không hạn chế số lượng tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Sẽ có thay đổi trong điều kiện thực hiện quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở được Bộ Xây dựng hoàn thành.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành ngay trong tháng 11/2009 để thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP.

Thay đổi quan trọng nhất là giấy tờ chứng minh đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được Dự thảo Nghị định phân loại và xác định rõ các giấy tờ tương ứng. Cụ thể, đối với người có quốc tịch Việt Nam, thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị; trong trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài, thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Đối với người gốc Việt Nam, phải có hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các giấy tờ sau do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam: bản sao quyết định hoạch trích lục quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận có gốc Việt Nam.

Dự thảo Nghị định cũng quy định Việt kiều có quốc tịch Việt Nam có quyền sở hữu không hạn chế số lượng nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở, hoặc có quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để xây dựng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.

Đối với người gốc Việt Nam, để được hưởng những quyền như đối với người có quốc tịch Việt Nam nêu trên, còn phải thuộc một trong các diện như: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học; người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt; người có vợ, hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Với những người không thuộc một trong các diện nêu trên, nếu có Giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ, hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam.

Trường hợp đối tượng này đang có sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà được thừa kế, hoặc được tặng cho thêm nhà ở khác, thì chỉ được chọn sở hữu một nhà ở. Đối với nhà ở còn lại, được quyền tặng cho hoặc bán cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị.

Việc xác nhận giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú tại Việt Nam của Việt kiều mang hộ chiếu Việt Nam đã được Dự thảo Nghị định trao cho công an cấp phường, nơi người đó cư trú cấp, bao gồm 2 loại là sổ tạm trú hoặc giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương...

Với những quy định cụ thể như trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Dự thảo Nghị định đã xác định rõ những tiêu chí đối với các đối tượng Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc xác nhận các thủ tục, khắc phục tình trạng đùn đẩy, không rõ trách nhiệm xử lý như trước đây.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư