Có hay không xu hướng người nước ngoài đầu cơ BĐS Việt Nam?

Cập nhật 27/11/2014 14:57

Một trong những điểm mới của Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang được dư luận quan tâm là việc đối tượng và điều kiện để tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam đã được nới rộng.

Theo các chuyên gia, không cần quá lo lắng sự đầu cơ BĐS từ vốn ngoại. (Ảnh minh họa). Ảnh: Hoài Anh.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; các tổ chức nước ngoài như DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài..., các cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được phép mua BĐS tại Việt Nam,  trừ những khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Việc mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam được coi là sẽ tạo điều kiện giúp tiêu thụ một phần BĐS giá cao đang tồn kho bấy lâu nay, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Dù ủng hộ chủ trương này song vẫn có nhiều ý kiến lo ngại với tiềm lực tài chính tốt, nhiều khả năng người nước ngoài sẽ tận dụng cơ hội này để đầu cơ đất đai, BĐS tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, khả năng này không phải không thể xảy ra, song nếu có thì đó cũng là quy luật của bất cứ nền kinh tế nào. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng không cần quá lo lắng về điều này bởi BĐS Việt Nam chưa hấp dẫn đến mức người nước ngoài đổ xô vào để đầu cơ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đầu cơ là vấn đề ký sinh của nền kinh tế, nó đi cùng với yếu tố đầu tư. Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà đầu cơ, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS. Không thể nói người nước ngoài không muốn đầu cơ, vì đầu cơ là sinh lời, nhưng đồng thời họ cũng chấp nhận rủi ro nếu đầu cơ vào BĐS tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc sàn giao dịch BĐS VIC cho rằng bất kỳ thị trường BĐS nào cũng có nhà đầu tư và đầu cơ. Tuy vậy, theo ông Hải, không cần phải quá lo lắng việc người nước ngoài đầu cơ BĐS tại Việt Nam, bởi “hiện nay việc đầu cơ của người trong nước cũng đang thua lỗ, trong khi đó người nước ngoài lại không am hiểu thị trường BĐS Việt Nam” và “nếu họ đầu tư vào một dự án đồng bộ, tiềm lực tài chính mạnh, đảm bảo tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật thì sẽ có lời, còn đầu cơ nhỏ lẻ thì trường hợp này sẽ ít xảy ra”.

Hiện Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Ngoài mục tiêu hạn chế việc tập trung người nước ngoài trong một khu vực, điều này cũng được cho là nhằm hạn chế việc người nước ngoài tích tụ, đầu cơ BĐS.

Về quy định này, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng trên quan điểm kinh tế thì khó để nói bao nhiêu phần trăm có thể bán cho người nước ngoài, con số này là không khả thi và sẽ gây ra tranh luận lớn. Còn về phương diện xã hội, nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận những cộng đồng thiểu số, ví dụ Hoa Kỳ có các cộng đồng người Mỹ gốc Việt, gốc Hoa, Ấn Độ... đây là những người dân Mỹ gốc nước khác, họ quy tụ để sinh sống, hoạt động và đóng góp cho sự  phát triển của Hoa Kỳ. Vì vậy lo ngại này không chính đáng.

“Tôi cho rằng nên khuyến khích cộng đồng thiểu số, nhưng phải quản lý được cộng đồng đó. Việc quản lý không khó vì có nhiều cách để quản lý, ngăn chặn những hành vi không phù hợp của cộng đồng đó. Không  nên khống chế mà nên mời gọi người nước ngoài mua BĐS ở Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam không hấp dẫn đến mức đùng một cái có ngay một cộng đồng người đổ xô vào mua đất, sinh sống”, ông Hiếu nhận định.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng đưa ra tỷ lệ như vậy là do chúng ta còn quá bảo thủ, thực tế không cần thiết phải hạn chế số lượng. Một dự án có thể 100% người nước ngoài mua cũng được. “Nếu để tích tụ, đầu cơ BĐS thì người ta mua hẳn cả một dự án đang kiệt quệ, phá sản chứ không ai đi mua từng căn nhỏ lẻ cả”, ông Đực nhận định.

Cho rằng “tiêu diệt đầu cơ là vấn đề không tưởng”, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, để hạn chế đầu cơ BĐS, chúng ta cần quản lý bằng thuế. “Chúng ta phải làm tốt quản lý thuế bằng các mức thuế khác nhau của các BĐS mà anh sở hữu. Đây là cách quản lý đầu cơ của nhiều nước. Còn nếu đã chịu mức thuế cao mà người đầu cơ vẫn sinh lời thì cứ để họ đầu cơ, vì đây là quy luật khách quan”, ông Thành nêu ý kiến.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan