Chủ trương cho người nước ngoài sở hữu nhà: Sẽ ảnh hưởng đến giá BĐS?

Cập nhật 12/04/2008 09:00

Theo đề xuất mới nhất của Chính phủ, sẽ có 7 loại đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bộ Xây dựng dự báo, nếu chính sách được thông qua, thị trường bất động sản (TTBĐS) sẽ có biến động; song về lâu dài đây cũng là yếu tố kích thích phát triển thị trường này.

Nhu cầu lớn

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 1988 đến hết năm 2007, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, đã có khoảng 25.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo các dự án đầu tư.

Ngoài ra còn có 55.000 người nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ... Riêng Hà Nội, có 1.300 nhà và căn hộ với diện tích khoảng 220.000 m2 đang cho người nước ngoài thuê, tập trung ở các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình. Nhà cho thuê phần lớn là căn hộ chung cư, biệt thự... Giá thuê nhà phụ thuộc vào tiện nghi, diện tích, khu vực và dao động trong khoảng 700-1.000 USD/căn/tháng.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, nhà cho người nước ngoài thuê lên tới 4.000 căn, tương đương 660.000 m2, chủ yếu ở các khu Phú Mỹ Hưng, quận 1, quận 3, quận 5. Giá cho thuê phổ biến ở mức 1.000-1.500 USD/căn/tháng. Tại khu vực trung tâm, giá thuê đặc biệt cao, lên tới 2.000-3.000 USD/căn/tháng.

Trên thực tế, có trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và có nhu cầu mua nhà để ở. Song, do chưa có quy định, nên khi mua - bán phải lấy tên vợ, hoặc chồng là người Việt Nam. Như vậy, nếu xảy ra tranh chấp người nước ngoài luôn chịu thiệt thòi. Tác động đến thị trường bất động sản

Theo dự báo của Bộ xây dựng, thông tin cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam đã có tác động nhất định đến TTBĐS. Nếu chính sách này được thông qua, giai đoạn đầu, giá nhà đất, đặc biệt là chung cư cao cấp, sẽ có biến động vì lượng “cung” chưa đủ. Tuy nhiên, việc mua nhà cũng phải diễn ra trong nhiều năm mà không thể dồn vào cùng một thời điểm, nên tác động tiêu cực sẽ không lớn.

Bộ Xây dựng dự kiến, có khoảng 10.000 người mua nhà (giả sử mỗi người được mua một căn hộ với diện tích 100-150 m2) tương ứng với khoảng 10.000 căn hộ, có tổng diện tích 1,5 triệu mét vuông. Xét về lâu dài, đây cũng là chính sách phù hợp để tăng cầu và tăng cung về nhà ở nhằm thúc đẩy TTBĐS phát triển.

Tại cuộc họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự thảo tờ trình quy định trên (dự kiến đưa ra Quốc hội xem xét), một số ý kiến cho rằng nên kéo dài thời hạn sử dụng 2-3 năm trước khi được phép bán để hạn chế tình trạng đầu cơ. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu: Giả sử cơ quan nước ngoài mua 30 căn hộ để cho cán bộ ở, nhưng sau đó lại điều chỉnh chính sách, rút hết người nước ngoài về và thuê người Việt Nam, vậy 30 căn hộ này có bán được không? Do đó, phải có chính sách rõ ràng để ứng xử với những tình huống này.

Cũng liên quan tới thị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần làm rõ khái niệm “dự án phát triển nhà thương mại”. Tư nhân xây nhà có được bán cho người nước ngoài không, hay chỉ hướng người nước ngoài mua nhà tại các dự án được cho là cao cấp.

Theo Hà Nội Mới