Chủ trương cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các nhà quản lý, chuyên gia cũng như người dân. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng có nhiều vấn đề cần xem xét.
Cần có chính sách đồng bộ để thu hút người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ảnh: Hữu Linh
|
Thủ tục rườm rà
Trên thực tế, chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã có từ năm 2008, được thể hiện bằng Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tổng kết của Bộ Xây dựng, sau 5 năm thực hiện chính sách này, số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, từ năm 2008 đến 2013, chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua được nhà ở tại Việt Nam (trong số đó, có 108 trường hợp kết hôn với người Việt). Nếu so sánh với con số hơn 80.000 người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam thì đây là một con số quá thấp. Kết quả này xuất phát từ các quy định nghiêm ngặt của Nghị quyết 19/2008/QH12 khiến đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam bị bó hẹp, quyền của chủ sở hữu nhà ở là người nước ngoài bị hạn chế (chỉ sử dụng cho mục đích ở, không được cho thuê, kinh doanh)…
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở dĩ ít người mua nhà tại Việt Nam cũng là do tâm lý “sợ những thay đổi trong chính sách, thủ tục pháp lý của Việt Nam”. Đây chính là nút thắt lớn cản trở tính hiệu quả của chính sách này, bởi nhiều người có đủ điều kiện để mua được nhà tại Việt Nam nhưng do thủ tục rườm rà, rắc rối nên họ buộc phải thuê nhà ở.
Trên thực tế, còn có nhiều lý do khác khiến người nước ngoài không mua nhà ở tại Việt Nam. Tính về lợi ích kinh tế thì do giá nhà ở tại Việt Nam rất đắt nên thuê rẻ hơn là mua nhà, nhất là tại Hà Nội. Bên cạnh đó, theo một chuyên gia bất động sản (BĐS), những quy định về sở hữu nhà ở của Việt Nam còn rất phức tạp, trong khi người nước ngoài rất sợ thủ tục hành chính của Việt Nam. Chưa kể, sản phẩm của chúng ta gây mất niềm tin do nhiều dự án chậm tiến độ... Đây là các lý do chính để người nước ngoài e ngại với nhà ở tại Việt Nam, dù họ có nhu cầu.
Tháo gỡ khó khăn
Ngày 25-11, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Một trong những điểm mới của Luật Nhà ở (sửa đổi) được dư luận quan tâm chính là sự cởi mở của Nhà nước khi nới rộng đối tượng và điều kiện cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; các tổ chức nước ngoài như DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài..., các cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được phép mua BĐS tại Việt Nam với các hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Trước mắt, chủ trương này được xem là giải pháp hữu hiệu để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tận dụng tối đa mọi nguồn vốn, góp phần thúc đẩy, vực dậy thị trường BĐS trong giai đoạn rất khó khăn. Còn về lâu dài, đây thực sự là giải pháp tăng tính hội nhập của nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho biết chủ trương có nhiều điểm tích cực, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, giúp tăng tính thanh khoản vốn đã trì trệ một thời gian dài. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẵn sàng mua nhà có giá trị cao, vốn là phân khúc đang tồn đọng, qua đó sẽ kéo thị trường đi lên một cách nhanh chóng.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Hiếu, qua việc cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ thu hút đầu tư, tạo cầu nối giữa trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là những thuận lợi không những về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về xã hội, chính trị.
Cần cơ chế phù hợp
Hiện nay dù Luật Nhà ở đã nới rộng đối tượng, điều kiện, song vẫn còn có những vướng mắc dẫn đến tâm lý e ngại khi mua nhà tại Việt Nam và để chủ trương này thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có chính sách đồng bộ.
Theo các chuyên gia, vướng mắc hiện nay là quyền sở hữu trên đất đai ở Việt Nam khác xa so với xu hướng của thế giới vì đất đai luôn thuộc quyền sở hữu của quốc gia, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Việt Nam cũng chưa có bảo hiểm quyền sở hữu đất, nên nếu có tranh chấp thì có thể người mua sẽ chịu thiệt thòi, chưa kể những rủi ro về quy hoạch.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, điều này dẫn đến tâm lý e ngại vì sự không rõ ràng, cho nên dù chủ trương này đã mở nhưng chưa hẳn là sẽ có nhiều người mua. Bà Ngô Thị Hương Giang, chuyên viên cao cấp Công ty Savills cũng cho rằng “dự kiến đây sẽ là nguồn cầu tốt, nhưng là nguồn cầu rất lớn làm thay đổi cục diện trên thị trường thì chưa, vì phần lớn người nước ngoài nếu có nhu cầu thì cũng chỉ tập trung vào một vài phân khúc”.
Hơn nữa, việc quản lý cũng khá phức tạp, không chỉ đưa ra những quy định là xong mà cần có những cơ chế phù hợp để nó phát triển đúng định hướng chung, phù hợp với chuyển động của thị trường BĐS nói chung, nếu không sẽ gây ra những xáo động, bất cập về mặt quản lý.
Cải thiện “sức mua” là mục tiêu của chủ trương này, song điểm nghẽn lớn của chủ trương này từ trước đến nay vẫn là vấn đề thủ tục. Ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS VIC cho rằng: “Quy định mới có nhiều điểm nới lỏng, giản tiện về thủ tục hành chính nhưng thực chất vẫn còn rắc rối. Chúng ta có điểm mở, nhưng vẫn có điểm thắt nên người nước ngoài vẫn e ngại. Hiện nay điều kiện để mua đã rộng hơn, nhưng cũng mất hai, ba tháng mới xong thủ tục. Chưa kể ở Hà Nội thì thuê nhà rõ ràng rẻ hơn mua nhà. Như vậy ngay cả khi chúng ta nới lỏng, tôi vẫn cho rằng lượng khách nước ngoài đổ tiền vào mua cũng sẽ không cao như mong muốn”.
Theo các chuyên gia, hiện nay chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà đang thiếu đồng bộ (như chính sách Thuế, chính sách về quản lý cư dân nước ngoài...), mới chỉ có Luật Nhà ở là chưa đủ. Thiết nghĩ, các vấn đề thủ tục hành chính, đăng ký quyền sở hữu, vấn đề thừa kế, bảo hiểm cần đi song song và được làm tốt, đồng bộ thì chủ trương này mới phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, giá cả cần được đưa về với giá trị thực, chất lượng đảm bảo... là những yếu tố giúp thu hút nhiều người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan