Nếu chúng ta vẫn chỉ "mở" trong chủ trương nhưng không "cởi" các nút thắt trong thực tế để tạo sự thông thoáng và thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà ở VN, các nước xung quanh sẽ hút vốn ngoại về mình.
Hạn chế người nước ngoài mua nhà ở VN là lãng phí nguồn lực để phát triển kinh tế - Ảnh: Đình Sơn
|
Nhập cảnh là có quyền mua
GS-TSKH Đặng Hùng Võ bày tỏ: "Tôi tán thành việc tháo hết cỡ cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại VN. Lợi ích của việc này đã rõ khi nó giúp thu hút ngoại tệ, kích thích thị trường bất động sản (BĐS), các ngành nghề liên quan như tài chính, vật liệu xây dựng, lao động... và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chúng ta đã nhìn thấy điều này từ năm 2008 khi Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 19 thí điểm cho người nước ngoài mua nhà. Nhưng từ đó đến nay chúng ta cứ loay hoay, bàn luận mãi việc có nên mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại VN hay không? Nếu mở thì mở đến đâu?".
Theo ông Võ, những lo lắng (đầu cơ, tích trữ làm hỏng thị trường - PV) của các nhà làm luật hiện nay đưa ra để hạn chế người nước ngoài mua nhà tại VN là không cần thiết. Nếu chúng ta muốn thu hút dòng vốn nước ngoài, muốn thị trường BĐS phát triển thì cần phải mở cửa mạnh mẽ, cần một cú hích về chính sách.
“Thị trường BĐS đang có những dấu hiệu hồi phục khi lượng giao dịch tăng, hàng tồn kho giảm nhưng mới chỉ ở phân khúc bình dân. Đối với phân khúc cao cấp lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều. Để giải quyết vấn đề này không thể dựa vào nguồn lực trong nước, mà phải huy động dòng vốn từ nước ngoài. Cách tốt nhất là tháo chính sách, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà ở VN. Chúng ta phải làm nhanh, kiên quyết nếu không sẽ lỡ mất cơ hội bởi dự thảo luật sắp trình Quốc hội thông qua. Nếu lần này không sửa được sẽ phải chờ sửa đổi luật lần sau" - ông Võ sốt ruột. Tuy nhiên, ông Võ cũng khuyến cáo, trong luật Cư trú cần đưa ra một số điều kiện để quản lý khi người nước ngoài sống tại VN...
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh Corp cũng cho rằng, cần có chính sách đột phá để thu hút nguồn vốn ngoại từ việc này. Cụ thể, chỉ cần người nước ngoài có visa vào VN là được sở hữu BĐS. Không nên quá khắt khe, bắt buộc họ phải có thời gian lưu trú, sống và làm việc tại VN vì họ có thể đi công tác, du lịch (vài tuần) nhưng muốn có nhà ở VN thì hãy để họ sở hữu. "Đừng quá tạo khó khăn cho các doanh nhân lớn, vì cơ hội mua nhà không chỉ ở riêng họ mà còn với bạn bè, gia đình họ qua đây nghỉ dưỡng, vui chơi. Chưa kể ngoài cơ hội bán BĐS cho họ thì còn có những cơ hội cho dịch vụ về du lịch, nghỉ dưỡng nữa" - ông Trung nói.
Không nên lãng phí nguồn lực
Theo một chuyên gia BĐS tại TP.HCM, VN đã vào WTO, sẽ tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc cởi mở sẽ thu hút đầu tư vào, tạo môi trường cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thông thoáng là cần thiết. "Đã mở cửa thì chính sách cũng phải hội nhập chứ đừng có một mình một chợ. Trong việc này, chỉ thiệt cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà thôi" - vị này nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, cần phải mở hết mức có thể. Chúng ta đang trong lộ trình hòa nhập thì nên mở ra để hòa nhập toàn diện hơn. Nhiều nước trên thế giới cũng rất mở về vấn đề này. Nếu chúng ta hạn chế là tự trói chân ta. Vừa không thu hút được ngoại tệ, vừa lãng phí nguồn lực trong nước. Vì vậy, nên cho mua, sở hữu thoải mái, không hạn chế số lượng để đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ. Điều quan trọng là phải tìm hiểu rõ nhu cầu mua nhà để ở và tiền mua nhà từ đâu ra để kiểm soát, phòng chống rửa tiền. Nếu mua nhà ở mà không ở, cho mượn hay cho thuê sẽ bị đánh thuế cao, nhà nước cũng có thêm nguồn thu. Theo ông Hùng, để thực hiện mở cửa như vậy, các cơ quan chức năng sẽ phải kiểm soát tốt nhiệm vụ của mình. Chỉ nên hạn chế là cho mua và sở hữu tại các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng, biên giới.
Nhìn từ cả hai phía để thấy sự dè dặt của ta là không cần thiết, TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, tâm lý sở hữu nhà ở ăn rất sâu vào tâm thức người Việt. Nhưng với người nước ngoài thì lại không quá nặng nề việc này. Đó là chưa kể, VN cũng không phải là thị trường BĐS quá sốt, hấp dẫn giới đầu tư như Hồng Kông hay Singapore… mà phải lập rào chắn. Từ cái nhìn toàn cục đó, TS Liêm cho rằng, chúng ta nên có chính sách cởi mở, thông thoáng để thu hút họ mua nhà, định cư ổn định để sống và làm việc tại VN, từ đó góp phần phát triển đất nước. "Nếu có hàng nghìn, hàng vạn người mua ta cũng không phải lo ngại gì mà còn phải mừng, khuyến khích. Cái đáng lo ngại là việc quản lý công dân nước ngoài như thế nào khi họ đã vào định cư tại VN, vấn đề an ninh quốc gia có đảm bảo khi mở cho người nước ngoài sở hữu nhà ở trong nước. Nhưng nếu kiểm soát tốt thì không nên uổng phí cơ hội thu hút nguồn lực từ ngoài vào". Về ý kiến như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu, dựng hàng rào kỹ thuật để chặn việc rửa tiền, theo TS Liêm, không thiếu gì cách rửa tiền mà không thông qua BĐS, vấn đề quan trọng là kiểm soát nó như thế nào. Không nên vì lý do ấy mà bỏ qua nguồn lực rất lớn này.
Luẩn quẩn đến bao giờ?
Quy định cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở trong nước nếu thỏa mãn điều kiện đang học tập, sinh sống, làm việc tại VN thực chất chỉ như những quy định trói chân cũ, không mang nhiều ý nghĩa của việc xây dựng mới, vẫn luẩn quẩn. Chúng ta nắm quyền trong tay, có thể sử dụng các quy định dưới luật, hàng rào kỹ thuật, hàng rào hành chính để kiểm soát hữu hiệu. Như vậy sẽ tốt hơn chuyện cấm đoán người nước ngoài mua nhà tại VN. Điều này cũng phù hợp với xu hướng hội nhập chung của thế giới.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia độc lập về BĐS
Vẫn bảo thủ thì hỏng
Đến nay sau 6 năm Nghị quyết 19 thí điểm cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại VN nhưng chỉ có gần 200 trường hợp được mua nhà thì rõ ràng là quá ít. Nên kỳ này Chính phủ quyết tâm rất lớn, phải thay đổi căn bản chủ trương này theo hướng mở rộng cho người nước ngoài mua nhà, tương tự như ở các nước đã thực hiện. Nhưng những người làm luật vẫn bảo thủ, vẫn bảo lưu quan điểm thì hỏng hết, sẽ không có nhiều đổi mới và thị trường sẽ mất đi một cơ hội để phục hồi và phát triển và nếu như vậy VN chúng ta vẫn là một ốc đảo. Thay đổi nó giống như một cam kết của Chính phủ về hội nhập, mở cửa, phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên